Mục lục [Ẩn]
Quan hệ của mỗi chúng ta với gia đình mình được cho là mối liên kết thiêng liêng mà không ai và không gì có thể phá vỡ được. Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ phải xem xét tới việc giữ khoảng cách hoặc điều chỉnh lại mối quan hệ với những thành viên trong gia đình độc hại của mình vì sự bình an và hạnh phúc về tinh thần của bạn.
Gia đình độc hại là gì?
Các dịp nghỉ lễ, Tết là thời điểm tuyệt vời để những người con xa nhà cùng trở về nhà, quây quần bên chiếc mâm cơm gia đình. Đó chắc chắn sẽ là khoảng thời gian đẹp và đáng mong đợi nhất trong năm. Nhưng điều đó chỉ đúng nếu bạn được trưởng thành trong một gia đình hạnh phúc với những mối quan hệ lành mạnh.
Còn nếu gia đình bạn không được như vậy thì sao? Bạn có cảm thấy lo lắng về những cuộc tụ họp với thành viên trong gia đình của mình? Bạn có cảm thấy ngày lễ, Tết giống như địa ngục với bạn? Hay thậm chí, bữa cơm gia đình mỗi tối cũng khiến bạn cảm thấy ngột ngạt? Đó chính là biểu hiện cho thấy bạn đang có một gia đình độc hại với những mối quan hệ độc hại.
Gia đình ở đây có thể được hiểu dưới một góc độ rộng hơn, không chỉ bao gồm bố mẹ và anh/chị/em ruột, mà còn bao gồm cả những người anh em họ hàng, cô, dì, chú, bác của bạn.
Gia đình được xem là một xã hội thu nhỏ, và chắc chắn là nó cũng sẽ khá phức tạp. Dẫu biết rằng cuộc sống gia đình thì không thể tránh khỏi những cãi vã, xung đột nhưng điều đó lại có vẻ rất phổ biến ở không ít gia đình. Họ có những cách nuôi dạy con cái độc hại, họ có sự ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau giữa chính những thành viên trong gia đình. Họ thường xuyên mâu thuẫn mỗi khi đụng chạm tới lợi ích của nhau. Tất cả những gia đình kiểu như vậy đều được gọi là gia đình độc hại.
Mối quan hệ độc hại làm tổn thương chúng ta như thế nào ?
Gia đình độc hại nguy hiểm như thế nào?
Thông thường, gia đình độc hại sẽ cố gắng che giấu đi các hành vi không lành mạnh của mình bằng những lớp vỏ bọc giả tạo. Họ hàng giao tiếp với nhau bằng những lời nịnh bợ và sáo rỗng. Các bậc cha mẹ thì luôn cho rằng tất cả những gì họ làm là đúng đắn, tất cả đều là vì thương con mình.
Thực tế là cha mẹ có thể có những sai lầm trong cách nhìn nhận và giáo dục con cái, nhưng điều đó là hết sức bình thường. Bởi cha mẹ và con cái trưởng thành trong những hoàn cảnh khác nhau, ở đó có sự khác biệt thế hệ rõ rệt. Đôi khi có những nhận định, cách dạy con là phù hợp ở thời của cha mẹ nhưng lại không còn phù hợp nữa với thời của con cái.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có sự khác biệt giữa gia đình lành mạnh và gia đình độc hại. Đối với một gia đình lành mạnh, các bậc phụ huynh có thể phạm sai lầm nhưng họ nhanh chóng tiếp thu và sửa đổi, đồng thời luôn tôn trọng ý kiến của con cái mình để chúng được phát triển tốt hơn. Điều này rõ ràng sẽ không được ghi nhận ở gia đình độc hại.
Những đứa trẻ phải lớn lên trong một gia đình như vậy sẽ luôn cảm thấy tù túng, bí bách, khó chịu về chính tổ ấm của mình. Chúng không được tạo điều kiện để phát triển một cách độc lập.
Nguy hiểm hơn, việc phải sống trong gia đình độc hại có thể ảnh hưởng nặng nề tới tinh thần của trẻ. Chúng có nguy cơ cao hình thành các vấn đề tâm lý nguy hiểm như rối loạn lo âu, trầm cảm. Thậm chí, nhiều đứa trẻ sẽ có xu hướng trở thành chính những bậc cha mẹ độc hại tương tự trong tương lai.
Những buổi tụ họp gia đình có đang trở nên quá ngột ngạt với bạn?
Dấu hiệu của một gia đình độc hại
Họ luôn xem thường bạn
Những kiểu gia đình độc hại này sẽ không bao giờ công nhận sự nỗ lực của bạn, bất chấp bạn có cố gắng tới đâu và thành tựu đạt được là gì đi chăng nữa. Bạn sẽ chỉ nhận được những lời chỉ trích từ chính những người thân thiết nhất trong gia đình. Sự chỉ trích dai dẳng, không chính đáng có thể làm giảm lòng tự trọng của bất kỳ ai.
Những đứa trẻ phải lớn lên trong một gia đình như vậy sẽ trở nên nhút nhát, rụt rè, lòng tự trọng thấp. Tới khi lớn lên, chúng thường là những đứa trẻ ít cá tính, không có chính kiến trong mọi tình huống, luôn sống theo một khuôn mẫu mà cha mẹ đã đặt ra cho chúng.
Họ ganh ghét, đố kỵ với bạn
Kiểu gia đình độc hại này có lẽ đã quá phổ biến trong xã hội Việt Nam. Đáng lẽ ra, khi bạn đạt được một thành tựu nào đó, người mừng nhất phải là những người thân trong gia đình. Nhưng không, chính họ lại là những kẻ đầu tiên tỏ ra ganh ghét, đố kỵ với sự thành công của bạn. Điều này rất hay xuất hiện ở những người anh em, họ hàng của bạn và đây là dấu hiệu cho thấy bạn cần hạn chế tiếp xúc với những kẻ như vậy. Việc bận tâm tới họ chỉ giống như hòn đá cản bước chân bạn hướng tới thành công mà thôi.
Ít phổ biến nhưng độc hại hơn rất nhiều đó là sự ganh ghét đến từ những người thân thiết nhất như bố mẹ hoặc anh em ruột của bạn. Những kiểu cha mẹ như vậy được gọi là các bậc phụ huynh ái kỷ. Họ luôn yêu thương bản thân một cách thái quá và không dễ dàng chấp nhận việc con cái có phần vượt trội hơn so với họ. Đối phó với trường hợp này chắc chắn sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Họ luôn so sánh
Bố mẹ hay họ hàng có thường xuyên so sánh bạn với một người anh em nào đó trong gia đình hay so sánh với một “con nhà người ta” nào đó hay không?
Đối với họ có thể điều này rất bình thường và sự so sánh đó sẽ chỉ là động lực để bạn phát triển hơn. Nhưng với bạn thì không. Việc so sánh với “con nhà người ta” chỉ mang lại những hậu quả tiêu cực cho bạn.
Nó khiến bạn luôn trong cảm giác căng thẳng, áp lực, tổn thương. Bạn cảm thấy thiếu tự tin vì lúc nào cũng nghĩ rằng người khác sẽ giỏi hơn mình và mình sẽ chẳng bao giờ đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ. Đồng thời, việc so sánh như vậy cũng có thể khiến bạn ghen ghét hoặc đố kỵ với chính những người được mang ra so sánh.
Bạn có đang bị so sánh với “con nhà người ta”?
Họ áp đặt cho cuộc sống của bạn
Bạn có đam mê và tài năng với hội họa, nhưng gia đình lại ép bạn chơi các môn thể thao hoặc phải học thật tốt các môn học tự nhiên? Khi đó, bạn phải đối mặt với một tình huống khó xử.
Bạn không được tạo điều kiện để bản thân phát triển một cách tốt nhất và sẽ tụt hậu so với bạn bè đồng trang lứa vì mình đang phải theo đuổi một con đường mà bản thân chẳng có chút đam mê hay tài năng nào cả. Và cuối cùng, tài năng thiên bẩm của bạn cũng sẽ mai một theo thời gian và bạn khó có thể chạm tới sự thành công của bản thân mình.
Họ quá coi trọng tiền bạc
Tuy rằng không phải gia đình nào cũng đầy đủ điều kiện về mặt vật chất nhưng nghèo khó không đồng nghĩa với việc coi đồng tiền là mục đích sống cao cả nhất.
Một gia đình độc hại lúc nào cũng than nghèo kể khổ với con cái thì sẽ khiến chúng bị thấm nhuần tư tưởng quá chú trọng vào tiền bạc mà quên đi những yếu tố cần thiết xung quanh. Một đứa trẻ lớn lên trong gia đình như vậy có xu hướng trở nên so đo, tính toán, thậm chí là ích kỷ.
Vậy tiền bạc có phải điều kiện tiên quyết của hạnh phúc hay không? Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Tiền có mua được hạnh phúc không? Mối liên hệ là gì?
Họ đặt kỳ vọng quá cao vào bạn
Dẫu rằng việc bố mẹ mong muốn con mình thông minh, tài giỏi, vượt trội và đặt nhiều kỳ vọng vào chúng là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên nhiều gia đình lại đặt sự kỳ vọng đó quá cao và nó sẽ trở thành điều độc hại với bạn.
Kiểu gia đình độc hại như vậy sẽ không quan tâm tới cảm xúc của con cái. Họ chỉ muốn con mình phải đạt được mọi mục tiêu mà mình đã đưa ra, kể cả khi những điều đó là không phù hợp với thực tế.
Một đứa trẻ bị thiếu thốn sự quan tâm cảm xúc như vậy sẽ không học được cách đối phó đúng đắn với những cảm xúc tiêu cực. Khi trưởng thành sẽ dễ mắc các bệnh lý rối loạn lo âu, trầm cảm.
Vậy việc đặt kỳ vọng quá cao, quá cầu toàn với con cái sẽ để lại hậu quả như thế nào? Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Cái bẫy của cầu toàn: Khi bạn không thể hài lòng về bản thân.
Gia đình bạn xảy ra mâu thuẫn triền miên
Đây là kiểu gia đình độc hại mà các thành viên trong gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Anh em trong họ hàng sẵn sàng xung đột khi cảm thấy lợi ích của mình bị ảnh hưởng.
Sống giữa một gia đình như vậy sẽ khiến trẻ luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng và thiếu an toàn. Trẻ có xu hướng hình thành tính cách nhút nhát, thu mình. Hoặc một số cũng có thể trở nên hung hăng, bạo lực nhằm bảo vệ lợi ích của bản thân.
Gia đình bạo hành
Sống trong một gia đình phải thường xuyên chứng kiến cảnh bạo hành, dù là bạo hành về thể chất hay lời nói thì chắc chắn đều sẽ ảnh hưởng cực kỳ xấu tới tâm lý của trẻ.
Đây được xem là một trong những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu tồi tệ nhất mà một đứa trẻ có thể trải qua. Chúng dễ hình thành những tư tưởng và suy nghĩ sai lệch. Về lâu dài sẽ dễ mắc các chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng như rối loạn lo âu, trầm cảm.
Các bước thoát khỏi mối quan hệ độc hại
Làm thế nào để thoát khỏi một gia đình độc hại?
Trên đây là 8 dấu hiệu của một gia đình độc hại mà bạn cần lưu ý. Vây làm thế nào để thoát khỏi gia đình độc hại? Sau đây là một số biện pháp dành cho bạn:
- Thẳng thắn chia sẻ: Hãy thẳng thắn nói ra suy nghĩ và cảm nhận của mình với những người mà bạn cho là độc hại. Điều này đôi khi có thể thay đổi được phần nào sự độc hại của họ, hoặc nó cũng sẽ tạo điều kiện để bạn thiết lập ranh giới giữa bạn và người đó. Dù gì thì đó cũng là một điều tốt.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ: Nếu ý kiến của bạn là không có hoặc ít trọng lượng trong gia đình, bạn nên tìm sự giúp đỡ từ một người nào đó “quyền lực” hơn, có tiếng nói trong gia đình hơn.
- Đặt ra ranh giới cho mình: Thiết lập ranh giới cho bản thân tức là bạn không cho phép người khác có những hành động hay lời nói gây ảnh hưởng tới cảm xúc của mình. Hãy cảnh báo người khác nếu cảm thấy họ đang vi phạm ranh giới mà bạn đã đặt ra.
- Hạn chế tương tác: Nếu các thành viên trong gia đình trở nên quá độc hại. Bạn nên hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với họ, cho dù đó là những người thân thiết nhất, nhưng quan trọng là bạn vẫn phải bảo vệ bản thân mình.
Nhận biết và đối phó với kiểu gia đình độc hại sẽ là một bước tiến quan trọng để bạn có một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn hơn. Hy vọng bài viết trên đây sẽ cung cấp cho bạn những điều cần thiết. Cám ơn các bạn đã đón xem!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập