Mục lục [Ẩn]
Không có điều gì tồi tệ hơn là bạn mang trong mình một lòng tự trọng thấp. Bạn cảm thấy thế nào và bạn nghĩ gì về bản thân sẽ quyết định cách bạn sống cuộc sống của mình. Lòng tự trọng thấp khiến bạn đánh giá thấp về bản thân, điều này ảnh hưởng đến ý chí và động lực của bạn để làm bất cứ điều gì trong cuộc sống.
Lòng tự trọng là gì? Nó quan trọng như thế nào?
Lòng tự trọng là động lực đằng sau sự tự tin của chúng ta và là cách chúng ta nhìn nhận và cảm nhận về tầm quan trọng và giá trị của bản thân mình.
Người có lòng tự trọng là những người hiểu được giá trị của bản thân mình, biết mình là ai và mình cần gì. Họ luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, theo đuổi những mục tiêu, ước mơ của mình một cách tích cực. Người có lòng tự trọng không chỉ tôn trọng bản thân mình mà họ cũng sẽ không bao giờ coi thường người khác, họ đối xử lịch sự, nhã nhặn với mọi người xung quanh.
Mỗi cá nhân có những thế mạnh riêng và những phẩm chất tốt đẹp không giống nhau. Lòng tự trọng giúp chúng ta nhận thức được những điều hay, điều đẹp đó, nhờ vậy mà chúng ta tận dụng được lợi thế của mình để không ngừng trau dồi và phát triển theo hướng tích cực nhất.
Đó là lý do tại sao học cách xây dựng lòng tự trọng là điều rất cần thiết cho sự phát triển và vun đắp hạnh phúc cá nhân.
Nguyên nhân của lòng tự trọng thấp
Đã bao giờ bạn từng có suy nghĩ rằng bản thân mình thật kém cỏi khi không làm được một việc gì đó, hay bạn thấy mình thật vô dụng khi không thể đỗ được trường đại học mà mình từng mơ ước? Nếu đã từng có suy nghĩ như vậy thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn từng trải qua một giai đoạn có lòng tự trọng thấp.
Lòng tự trọng thấp có thể xuất phát từ nhiều lý do. Nó bị ảnh hưởng phần lớn bởi cách người khác nhìn và đối xử với chúng ta. Đó là lý do vì sao ảnh hưởng của cha mẹ có tác động đáng kể nhất đến lòng tự trọng của chúng ta. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất của lòng tự trọng thấp:
1. Tuổi thơ bất hạnh bởi cha mẹ
Những người lớn lên với sự chỉ trích của cha mẹ, bị lạm dụng hoặc bỏ bê có nhiều khả năng phải đối mặt với những thách thức về giá trị bản thân của họ. Trong khi những đứa trẻ khác được trải qua sự chấp nhận, tán thành và tình cảm từ cha mẹ sẽ có nhiều khả năng ý thức chính xác hơn về giá trị của bản thân mình.
Sự chỉ trích từ cha mẹ ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tự trọng của con cái
Còn với những đứa trẻ có trải nghiệm bất hạnh thời thơ ấu, chúng có những ý nghĩ sai lệch về bản thân mình. Chúng nghĩ mình thực sự kém cỏi, bất tài, vô dụng đúng như những gì cha mẹ từng nói. Sự tự ti này gây ảnh hưởng rất lớn tới khả năng liên kết xã hội của những đứa bé đó trong tương lai. Hậu quả lớn nhất mà chúng có thể phải gánh chịu chính là căn bệnh trầm cảm.
2. Trải nghiệm đau thương
Lòng tự trọng thấp cũng có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm tồi tệ hoặc sự kiện đau thương, chẳng hạn như bị bắt nạt hoặc lạm dụng tinh thần. Những hành vi tác động vật lý, lời nói xúc phạm từ bạn bè, người thân gây ra cảm giác xấu hổ, tội lỗi hoặc vô giá trị.
Xin mời bạn theo dõi bài viết: Bạo lực học đường là gì? Cách nhận diện trẻ bị bạo hành.
3. Thất bại
Đối với một số người, lòng tự trọng thấp có liên quan đến thành tích của họ. Họ có thể đã từng đặt ra mục tiêu quá cao trong học tập để rồi kết quả không được như vậy. Họ có thể tự áp đặt mình phải đỗ được vào trường đại học này, có việc làm tại công ty nọ, nhưng kết quả thi cử và phỏng vấn lại không được như mong đợi. Hoặc họ cũng có thể là những doanh nhân, đặt KPI quý này phải đạt doanh số X tỷ đồng nhưng doanh thu thực tế lại chỉ bằng 30% so với kỳ vọng.
Tất cả những trải nghiệm thất bại đó đều mang tới một cảm giác bản thân kém cỏi, vô dụng. Tất nhiên, hầu hết chúng ta nếu từng trải qua trường hợp tương tự cũng sẽ mang trong mình ý nghĩ như vậy. Tuy nhiên, điều khác biệt nằm ở chỗ, chúng ta sẽ lựa chọn tiếp tục sống với lòng tự trọng thấp như vậy hay sẽ rút kinh nghiệm và bứt phá trong tương lai.
Xin mời bạn theo dõi bài viết: Cái bẫy của cầu toàn: Khi bạn không thể hài lòng về bản thân.
4. Tự nhủ những điều tiêu cực
Nhiều trường hợp lòng tự trọng thấp kéo dài do tự nhủ những điều tiêu cực. Đây có thể là một câu chuyện mà bạn tự tạo ra hoặc một người nào đó đã gây ra cho bạn từ lâu mà bạn vẫn tiếp tục tin tưởng, và nó cản trở việc học cách xây dựng lòng tự trọng của bạn.
Lòng tự trọng thấp có thể bắt nguồn từ khi còn nhỏ, chúng ta đã bị tấn công bởi những thông điệp về việc quá béo, quá gầy, quá thấp hoặc nhiều thứ khác. Và bây giờ, khi những lời nói độc hại đó đã không còn hướng tới bạn nữa, nhưng trong thâm tâm, bạn vẫn không ngừng tự nhủ rằng mình mang một cơ thể không hài hòa.
Cách xây đắp lòng tự trọng
Nghịch lý thay, hầu hết các nguyên nhân gây ra lòng tự trọng thấp đều bắt nguồn từ cách người khác nhìn hoặc đối xử với bạn, tuy nhiên giải pháp để nâng cao lòng tự trọng lại hướng vào việc điều chỉnh từ chính bản thân bạn chứ không phải những người đã gây tổn hại tới bạn.
Dưới đây là một số chiến lược tuyệt vời để bắt đầu hành trình vun đắp lòng tự trọng của bạn.
1. Phản bác lại lời tự chỉ trích
Cảm giác vô dụng và lòng tự trọng thấp nảy sinh khi trong tâm trí bạn luôn có những câu nói tự hạ thấp bản thân như “Mình chẳng làm được gì hết”, “Mình là đồ bỏ”, “Mình không bằng ai cả”...
Bạn có thường xuyên tự chỉ trích bản thân mình?
Như đã phân tích ở trên, chiến lược quan trọng nhất giúp bạn xây đắp lòng tự trọng đó là điều chỉnh chính những suy nghĩ sai lệch đó của bản thân bạn. Chính vì vậy, khi gặp một ý nghĩ tiêu cực nào, hãy thực hiện ba bước sau:
- Viết tất cả những ý nghĩ tiêu cực đó ra giấy và tìm cách phản bác lại
- Trong nhiều trường hợp lòng tự trọng bị tổn hại nghiêm trọng như bệnh nhân trầm cảm, họ không thể tự phản bác lại được sự chỉ trích từ chính bản thân mình. Đây là lúc họ nên tìm tới sự giúp đỡ từ người khác, đó sẽ là một người quen nào đó xung quanh họ, người này phải là một người thông thái, có nhiều kinh nghiệm sống và luôn có cái nhìn tinh tường về mọi sự việc trong cuộc sống.
Những người này sẽ giúp người có lòng tự trọng thấp nhận biết được những tư duy sai lệch mà họ đang mang.
- Phản bác lại lời tự chỉ trích: Tự nhủ bằng những lời nói nhằm phản bác lại suy nghĩ tiêu cực của mình.
Ví dụ: Bạn có suy nghĩ rằng “Mình chẳng làm gì ra hồn”, hãy phản bác lại bằng những lời nói như “Vớ vẩn, mình làm được rất nhiều điều đúng đắn”.
Việc phản hồi bằng những lời phản kháng hợp lý sẽ giúp bạn suy xét những điểm vô lý và sai lệch trong thói quen tự chỉ trích có sẵn trong đầu. Khi tư duy của bạn đã thay đổi, tâm trạng cũng sẽ tự động thay đổi theo.
2. Hãy “đương đầu”, chớ “cúi đầu”
Phải đối diện với khó khăn, tìm ra nguyên nhân gốc rễ để giải quyết nó, lựa chọn né tránh sẽ chỉ khiến bạn hạ thấp lòng tự trọng của bản thân hơn.
Như ở phần trên, chúng tôi đã đưa ra nhiều lý do dẫn tới lòng tự trọng thấp, và với trường hợp của bạn, nguyên nhân là một trong số chúng hoặc thậm chí là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Có lẽ bố mẹ bạn đã từng nói rằng bạn “không bao giờ đủ tốt” hoặc bạn “sẽ chẳng làm được trò chống gì”. Quan trọng là bạn cần xác định được mình đã trải qua những vấn đề cốt lõi nào, và chúng tôi khuyên bạn thực sự nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người thông thái, đặc biệt là các chuyên gia tư vấn tâm lý. Bởi mỗi loại tổn thương sẽ có một chiến lược điều trị khác nhau và chuyên gia tâm lý sẽ là những người đưa được cho bạn lời khuyên tốt nhất.
Xin mời bạn theo dõi bài viết: Nhận diện và đối phó với 10 kiểu nuôi dạy con độc hại của các bậc cha mẹ.
3. Phản bác lại lời chỉ trích từ người khác
Đối với rất nhiều người, lòng tự trọng thấp không chỉ tới từ những nguyên nhân trong quá khứ mà ở ngay thời điểm hiện tại, họ vẫn từng ngày phải chịu những lời phán xét từ chính những người thân, người quen của họ.
Khi bị những lời chỉ trích đó tấn công, quan trọng là bạn cần trang bị đủ lý lẽ và kiến thức để phản bác lại nó. Lời chỉ trích có thể đúng hoặc sai, nếu đúng, hãy tự nhủ rằng: “Không có ai là hoàn hảo, đôi khi mắc một chút sai lầm cũng chẳng sao”. Nếu lời chỉ trích đó là sai, hãy mạnh mẽ phản bác lại.
Hãy vững vàng trước lời chỉ trích từ người khác
Ví dụ: Một người phụ nữ bị bạo hành gia đình bởi những lời nói từ chồng rằng “Tại sao chồng đi làm về mà giờ này vẫn chưa nấu cơm?”, hãy phản bác lại rằng “Cả hai cùng đi làm như nhau, cùng có quỹ thời gian như nhau, do đó việc nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa phải là nhiệm vụ của cả hai, không phải chỉ là công việc của một mình tôi”.
Chỉ khi người phụ nữ đồng tình với sự bạo hành thì người chồng mới có thể thực hiện được những hành vi đó. Do đó, nếu chúng ta thay đổi được tư duy thì những lời chỉ trích từ người khác sẽ không thể tác động tiêu cực tới chúng ta được.
Xin mời bạn theo dõi bài viết: Trầm cảm sau sinh và những điều cần biết.
4. Chấp nhận bản thân không hoàn hảo
Cuối cùng, hãy chấp nhận rằng bản thân chúng ta chỉ có giới hạn, có thế mạnh riêng và cũng luôn tồn tại những điểm yếu, chứ chúng ta không thể hoàn hảo như mình mong muốn. Hãy đưa ra những mục tiêu hợp lý với sức của mình.
Nhận thức được điều đó, chúng ta sẽ tránh được việc tự dằn vặt, tự ti, xấu hổ do không đạt được mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, chúng ta sẽ có được kế hoạch phát triển dựa trên thế mạnh của mình, đây sẽ là nền tảng để bản thân chúng ta cảm thấy tự tin hơn, xây dựng được lòng tự trọng cao hơn.
Hành trình vươn tới lòng tự trọng cao hơn sẽ đầy thử thách, nhưng thử thách chính là thứ tạo nên chiều sâu, sức mạnh, tính cách của chúng ta. Nếu phần thưởng cho những nỗ lực đó là lòng tự trọng cao hơn, dẫn đến các mối quan hệ lớn hơn, sự nghiệp tốt hơn, sức khỏe và hạnh phúc tăng lên, thành công hơn và ý thức về giá trị bản thân cao hơn, thì điều đó rất xứng đáng. Chúc các bạn thành công!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập