Mục lục [Ẩn]
Cuộc sống là một chuỗi những trải nghiệm. Một số trong đó khiến chúng ta cảm thấy được yêu thương, nhưng cũng có một số khác khiến chúng ta phải xấu hổ, sợ hãi, tức giận, ghen tị, cảm thấy cô đơn, tự ti và tuyệt vọng. Để chôn vùi những nỗi đau này, chúng ta thường sử dụng những biện pháp nhằm đánh lạc hướng bản thân, gọi là né tránh nỗi đau. Vậy thực sự, né tránh nỗi đau có phải cách tốt nhất giúp chúng ta xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực hay không?
Sức mạnh của cảm xúc
Giả sử bây giờ bạn bắt đầu suy nghĩ về tất cả những cảm xúc mà bạn đã từng trải qua, bạn có những gì? Đó sẽ là một danh sách dài, bao gồm: hạnh phúc, buồn, vui mừng, biết ơn, sợ hãi, tự hào, giận dữ, căng thẳng, ngạc nhiên… Có rất nhiều loại cảm xúc khác nhau mà bạn đã từng trải qua trong cuộc sống, nhưng về cơ bản, chúng ta có thể chia chúng thành hai nhóm quan trọng: cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực.
Những cảm xúc tích cực và tiêu cực tấn công chúng ta cả về mặt tinh thần và thể chất ngay khi chúng vừa xuất hiện. Những cảm giác này sẽ rất mạnh mẽ.
Cảm xúc tích cực sẽ giúp chúng ta cân bằng với những cảm xúc tiêu cực, giúp bộ não tăng sự tập trung, tăng cường trí nhớ, sự sáng tạo. Những người có nhiều cảm xúc tích cực thường có xu hướng hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và dễ dàng hòa đồng với những người xung quanh.
Cảm xúc tiêu cực lại cảnh báo chúng ta về những mối đe dọa hoặc thách thức cần giải quyết. Chúng ta có thể “đông cứng người vì sợ hãi” hoặc “giận dữ bừng bừng” khi bị ai đó đe dọa hoặc xúc phạm hay “thất vọng tràn trề” khi bản thân không đáp ứng được kỳ vọng. Về cơ bản, cảm xúc tiêu cực chỉ đang giúp chúng ta tập trung để giải quyết một vấn đề cụ thể. Nhưng quá nhiều cảm xúc tiêu cực lại khiến chúng ta bị choáng ngợp, lo lắng, mệt mỏi và căng thẳng.
Khi một trải nghiệm đi kèm với đó là những cảm xúc tiêu cực và đau đớn, không ít người trong số chúng ta thay vì tìm cách giải quyết lại đi cố gắng tìm mọi cách phớt lờ, trốn tránh những cảm xúc tiêu cực đó.
Né tránh nỗi đau có phải biện pháp đối phó tốt nhất với cảm xúc tiêu cực?
Để chôn vùi nỗi đau, chúng ta thường đắm chìm trong những hành vi nhằm đánh lạc hướng bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực. Những hành vi này có đủ hình thức, từ làm việc quá sức, ăn quá nhiều, ngủ quá nhiều đến việc say sưa sử dụng các chất kích thích làm thay đổi tâm trí như rượu, thuốc lá, thậm chí là ma túy.
Một số khác chuyển sang mua sắm, đánh bạc hoặc tìm đến những trò tiêu khiển như trò chơi điện tử, xem TV để đánh lạc hướng và kìm nén những cảm giác khó chịu khi chúng bắt đầu phát sinh.
Tuy nhiên, những hành vi này chỉ có thể giúp chúng ta giảm đau tạm thời, khi lạm dụng lâu dài, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái nghiện ngập, tách rời với những người quan tâm tới chúng ta. Chúng ta càng ngày càng trở nên lạc lối và mất phương hướng về cuộc sống, đánh mất lòng tự trọng và sự kết nối xã hội.
Hãy ghi nhớ rằng những nỗi đau bị chôn vùi luôn có cách để trỗi dậy, trừ khi chúng ta giải quyết dứt điểm được nó.
Né tránh nỗi đau không phải biện pháp tốt nhất đối phó với cảm xúc tiêu cực
Biện pháp tốt nhất giúp xóa bỏ cảm xúc tiêu cực: Buông bỏ và tha thứ
Việc kìm nén, phớt lờ thay vì xử lý những cảm xúc tiêu cực trong quá khứ sẽ để lại cho chúng ta những tổn thương, gọi là những mảnh vụn cảm xúc.
Chúng ta càng mang theo nhiều mảnh vụn cảm xúc, chúng ta lại càng dễ bị tổn thương bởi những cảm xúc tiêu cực mới. Giống như người nông dân cần loại bỏ sạch những tảng đá, rác rưởi trên cánh đồng trước khi bắt đầu một vụ mùa mới, chúng ta cũng cần dọn sạch những tổn thương trong quá khứ của mình.
Mảnh vụn cảm xúc là những nỗi đau chưa được xử lý trong quá khứ. Chừng nào còn tồn tại, chúng sẽ tiếp tục nổi lên và bùng phát mạnh mẽ vào thời điểm chúng ta dễ bị tổn thương nhất.
Chúng ta cần ngồi lại với chính những cảm xúc tiêu cực của mình và cho phép bản thân thừa nhận sự tồn tại của chúng. Sau đó hãy bắt đầu nhìn nhận lại những tình huống đau buồn đã diễn ra, xem xét vai trò của chính chúng ta và những cá nhân liên quan trong tình huống đó.
Ví dụ, bạn cảm thấy buồn bã, thất vọng vì một mối quan hệ đổ vỡ. Việc cần làm trước tiên bây giờ đó là hãy tìm một không gian yên tĩnh, ngồi và nhìn nhận lại mọi chuyện, xem xét trách nhiệm của bản thân và đối phương trong sự đổ vỡ đó.
Việc tiếp theo bạn cần làm bây giờ đó là chấp nhận buông bỏ và tha thứ cho bản thân và người còn lại. Đồng thời, hãy thừa nhận những gì chúng ta đã học được từ những trải nghiệm đau đớn nhất của mình.
Khi chúng ta đã xử lý nỗi đau của mình, vẫn sẽ còn đó những ký ức, nhưng khi nhớ về chúng thì những cảm xúc tiêu cực sẽ không còn dữ dội hay khó chịu như trước nữa. Đồng thời, những cảm xúc tiêu cực tương tự sẽ khó có thể làm tổn thương chúng ta trong tương lai.
Tóm lại, bằng cách dọn dẹp những tổn thương của cảm xúc tiêu cực trong quá khứ, bạn có thể mở đường cho một tương lai hạnh phúc sau. Hãy bắt đầu với các hành động sau:
- Quyết tâm buông bỏ những tổn thương trong quá khứ
- Ngồi suy nghĩ lại những cảm xúc tiêu cực xung quanh những ký ức đau buồn
- Thừa nhận trách nhiệm của bản thân trong một tình huống tiêu cực
- Tha thứ và giải phóng bản thân và những người khác khỏi những tổn thương trong quá khứ
- Tự chăm sóc bản thân và tìm đến sự giúp đỡ từ những người đáng tin cậy khi cần thiết
- Hãy tạo ra nhiều cảm xúc tích cực hơn để cân bằng với cảm xúc tiêu cực hàng ngày.
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Hãy để toàn bộ cảm xúc bị kìm nén của mình được giải phóng.
Như vậy, né tránh nỗi đau không phải biện pháp tốt nhất giúp loại bỏ cảm xúc tiêu cực. Hãy thẳng thắn đương đầu thay vì né tránh khi gặp những tình huống đau buồn. Đừng để cảm xúc tiêu cực mãi kìm nén trong tâm trí bạn. Cám ơn các bạn đã đón xem!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập