Mục lục [Ẩn]
Âm nhạc như một món ăn tinh thần, giúp chúng ta thư giãn, yêu đời và xả stress hiệu quả. Tận dụng lợi ích đó, ngành y đã áp dụng liệu pháp âm nhạc để chữa lành tâm lý, cải thiện tình trạng buồn bã, lo lắng ở người bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh. Vậy cụ thể, liệu pháp này là như thế nào?
Trị liệu âm nhạc là gì?
Trị liệu âm nhạc là gì?
Trị liệu âm nhạc là biện pháp sử dụng các hoạt động âm nhạc để cải thiện sức khỏe tâm thần và sức khỏe tổng thể. Chúng bao gồm ca hát, sáng tác nhạc, âm thanh, nghe nhạc, nhảy múa, thảo luận chủ đề có liên quan đến âm nhạc… Qua đó, người bệnh tâm lý sẽ giảm bớt được căng thẳng, lo âu, dần tìm lại niềm vui trong cuộc sống.
Việc sử dụng âm nhạc trong cải thiện bệnh đã được áp dụng từ nhiều năm trước đây. Từ những năm 1940, các nhà trị liệu tại Hoa Kỳ đã dùng âm nhạc để cải thiện các kỹ năng giao tiếp của bệnh nhân và giảm thiểu đau đớn cho họ. Một cuộc thăm dò ý kiến từ 1.900 cơ sở khám chữa bệnh ở Hoa Kỳ năm 2007 cho thấy, 35% trong số đó đưa ra các loại phương pháp trị liệu bằng âm nhạc.
Các chuyên gia cho biết, bất cứ ai cũng có thể tham gia vào quá trình trị liệu tâm lý bằng âm nhạc, không phân biệt độ tuổi, giới tính, tầng lớp xã hội.
Trị liệu âm nhạc có những loại hình nào?
Trị liệu âm nhạc có thể mang tính bị động, chẳng hạn như người bệnh được chuyên gia cho nghe nhạc và đưa ra phản hồi về âm nhạc. Hoặc, họ chủ động sáng tác lời, giai điệu của bài hát. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, chuyên gia sẽ chỉ định trị liệu âm nhạc phù hợp.
Đối với bệnh tâm lý, một số loại hình trị liệu thường được áp dụng bao gồm: Liệu pháp âm nhạc nhận thức và hành vi (CBMT)
Đây là sự kết hợp giữa âm nhạc và liệu pháp nhận thức – hành vi. Âm nhạc sẽ hỗ trợ điều chỉnh hoặc củng cố các hành vi, nhận thức của người bệnh. Các hoạt động âm nhạc trong CBMT là nghe nhạc, hát, nhảy múa, chơi nhạc cụ…
Với liệu pháp âm nhạc nhận thức và hành vi, người bệnh sẽ được chơi nhạc cụ
Liệu pháp âm nhạc phân tích
Với liệu pháp này, người bệnh sẽ được khuyến khích hát hoặc sử dụng một loại nhạc cụ tùy sở thích. Qua đó, họ có thể thoải mái bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc vô thức bên trong. Cuối cùng, chuyên gia tâm lý sẽ thảo luận với họ về những suy nghĩ, khúc mắc đó, giải quyết nỗi lòng của họ.
Liệu pháp âm nhạc cộng đồng
Liệu pháp âm nhạc cộng đồng sử dụng âm nhạc để tạo ra các thay đổi ở mức độ cộng đồng. Nó thường được thực hiện theo nhóm và yêu cầu mỗi thành viên phải tham gia nhiệt tình.
Liệu pháp âm nhạc Benenson
Liệu pháp này là sự kết hợp giữa việc làm nhạc và một số khái niệm của trường phái phân tâm học. Khi sử dụng liệu pháp Benenzon, bạn sẽ đi tìm bản sắc âm nhạc của chính mình. Quá trình này bao gồm việc mô tả những âm thanh bên ngoài phù hợp nhất với trạng thái tâm lý bên trong của bạn.
Liệu pháp âm nhạc Nordoff-Robins
Đây còn gọi là liệu pháp âm nhạc sáng tạo. Người bệnh sẽ được chơi một loại nhạc cụ (thường là trống hoặc chũm chọe) cùng lúc khi nhà trị liệu chơi loại nhạc cụ khác. Lúc này, giai điệu âm nhạc sẽ thể hiện tâm trạng, tính cách của người bệnh.
Nhạc cụ chũm chọe
Trị liệu thanh nhạc
Ở liệu pháp này, người bệnh được hướng dẫn thực hiện các bài tập thanh nhạc, âm thanh tự nhiên cùng kĩ thuật thở để tạo ra sự kết nối hài hòa giữa cảm xúc và suy nghĩ bên trong tâm trí. Từ đó, họ sẽ nhận ra nỗi khúc mắc của bản thân.
Phương pháp Bonny – nghe nhạc và tưởng tượng có hướng dẫn
Các nhà trị liệu sẽ sử dụng một số nhạc cụ cổ điển nhằm kích thích trí tưởng tượng của người bệnh. Khi áp dụng liệu pháp này, người bệnh được yêu cầu đưa ra các lời giải thích, trình bày về những cảm xúc, hình ảnh và kí ức mà bản thân có được trong lúc nghe nhạc.
Trị liệu âm nhạc tác động đến người bệnh tâm lý ra sao?
Đối với người bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh, trị liệu âm nhạc giúp giải quyết các nhu cầu về mặt tình cảm, thể chất của họ.
Việc lắng nghe và thỏa sức sáng tạo âm nhạc cho riêng mình trong lúc trị liệu sẽ cho phép người bệnh thoải mái thể hiện bản thân theo những cách phi ngôn ngữ. Sự tương tác hài hòa của từng nhịp điệu, giai điệu khác nhau sẽ kích thích đến giác quan của họ, giúp họ giữ bình tĩnh, ổn định hơi thở, nhịp tim và hỗ trợ tốt cho các chức năng khác bên trong cơ thể.
Trị liệu âm nhạc giúp người bệnh giữ bình tĩnh, ổn định hơi thở
Khi âm nhạc tham gia vào quá trình chữa bệnh tâm lý, nhất là lúc kết hợp với các liệu pháp trò chuyện sẽ làm gia tăng mức độ hormone dopamine bên trong cơ thể. Loại hormone này có vai trò điều chỉnh tâm trạng cho con người. Nó mang lại cảm giác sảng khoái, tạo động lực tích cực cho người bệnh hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Trị liệu âm nhạc còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Những giai điệu dịu êm sẽ kích hoạt sóng não chậm tạo ra phản ứng thư giãn cho cơ thể, họ dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
Ngoài ra, bản nhạc nhẹ nhàng còn thúc đẩy não bộ giải phóng endorphin - một hormone giúp tăng sự tự tin, lòng tự trọng và giảm đau cho cơ thể.
Khi kết hợp trị liệu âm nhạc với các biện pháp điều trị bệnh tâm lý khác (sử dụng thuốc tây và/hoặc liệu pháp tâm lý), tình trạng bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh sẽ được cải thiện tốt.
Đến đây, hy vọng các bạn đã biết thông tin cơ bản về trị liệu âm nhạc. Cách điều trị này giúp thư giãn tinh thần mà lại không gây tác dụng phụ như thuốc tây nên ngày càng được áp dụng phổ biến. Kể cả khi không bị vấn đề về tâm lý, âm nhạc cũng có nhiều lợi ích như tăng khả năng tập trung trong học tập, công việc. Vì vậy thi thoảng, bạn nên hoạt động âm nhạc nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập