Mục lục [Ẩn]
Các hormone không chỉ giúp các chuyển hóa của cơ thể hoạt động tốt mà còn cải thiện tâm trạng, điển hình là serotonin. Khi cơ thể tiết ra đầy đủ loại hormone này, bạn sẽ cảm thấy sảng khoái, hạnh phúc và tràn đầy năng lượng. Vậy cụ thể, serotonin là gì? Thiếu hụt chúng sẽ ra sao?
Serotonin là gì?
Serotonin là gì?
Serotonin còn có tên gọi khác là 5-hydroxytryptamine (5-HT) - một chất dẫn truyền thần kinh của cơ thể.
Phần lớn, serotonin trong cơ thể con người có ở tế bào enterochromaffin trong đường tiêu hóa, nơi nó điều hòa các hoạt động của ruột. Tuy nhiên, nó cũng được sản xuất trong hệ thống thần kinh trung ương (CNS), đặc biệt là trong hạt nhân Raphe nằm trong não. Ngoài ra, chúng còn được lưu trữ trong tiểu cầu.
Khi con người nhận được lời khen, sự công nhận thì hormone serotonin sẽ được kích hoạt. Cảm giác hạnh phúc mà hormone serotonin mang lại thúc đẩy cho chúng ta không ngừng tìm kiếm sự tán thưởng và thừa nhận ở những người xung quanh.
Vai trò của serotonin với cơ thể
Trong cơ thể, serotonin có nhiều vai trò khác nhau bao gồm:
Cải thiện tâm trạng
Tác dụng chính của serotonin là điều chỉnh tâm trạng, giúp bạn cảm thấy dễ chịu, sảng khoái, hạnh phúc hơn. Khi nồng độ hormone này được tiết ra đầy đủ, bạn sẽ dễ tập trung, ổn định cảm xúc, dễ bình tĩnh hơn.
Hệ tiêu hóa
Serotonin giúp tăng tốc độ tiêu hóa, loại bỏ các thực phẩm gây kích ứng và sản phẩm độc hại ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, chúng còn góp phần làm giảm cảm giác thèm ăn của bạn khi ăn.
Điều hòa giấc ngủ
Serotonin và một chất dẫn truyền thần kinh khác là dopamine có vai trò quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ. Bộ não cần serotonin để tạo ra melatonin - hormone điều hòa chu kỳ ngủ thức của con người.
Khi cơ thể có đủ lượng serotonin, bạn sẽ dễ ngủ, ngủ ngon hơn.
Serotonin giúp điều hòa giấc ngủ
Hỗ trợ chữa lành vết thương
Serotonin hoạt động như một chất chủ vận của tiểu cầu, giúp hỗ trợ chữa lành vết thương hở. Chúng gây co mạch, giúp cầm máu, tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành để bịt kín vết thương.
Nguyên nhân nào khiến cơ thể thiếu hụt serotonin
Những yếu tố khiến cơ thể thiếu hụt serotonin bao gồm:
- Quá trình lão hóa theo tuổi tác khiến các tế bào thần kinh giảm hoạt động.
- Chế độ ăn uống thiếu hụt chất dinh dưỡng
- Tâm lý căng thẳng, lo âu, buồn bã
- Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Lười vận động
Cơ thể thiếu hụt serotonin sẽ ra sao?
Bởi serotonin có nhiều vai trò khác nhau trong cơ thể nên khi bị thiếu hụt chúng, bạn sẽ có các biểu hiện như:
- Tâm trạng bất ổn: Hay cáu kỉnh, buồn bã thất thường.
- Tăng nguy cơ trầm cảm: Cảm giác mệt mỏi, tức giận, tuyệt vọng kéo dài, thậm chí còn xuất hiện ý định tự tử.
- Lo âu: Mức serotonin thấp có thể gây ra rối loạn lo âu. Một số trường hợp thì phát triển chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Các vấn đề về trí nhớ: Trí nhớ kém, giảm khả năng tập trung, giảm động lực, học tập và làm việc trí óc kém.
- Ngủ kém: Khó ngủ, ngủ không sâu giấc.
- Chức năng tình dục: Giảm ham muốn, giảm khả năng đạt cực khoái.
- Có cảm giác đau: Đau mạn tính không có nguồn gốc thực thể rõ ràng.
- Vận động: Những người có serotonin thấp có thể gặp khó khăn với chuyển động, thăng bằng hoặc phối hợp vận động.
- Khó tiêu hóa: Nhu động ruột hoạt động kém.
- Kiểm soát bàng quang: Serotonin thấp có thể gây ra chứng tiểu không tự chủ hoặc gặp khó khăn trong việc tiểu tiện.
- Khó đông máu: Giảm quá trình chữa lành vết thương.
Thiếu hụt serotonin gây tâm trạng buồn chán, tự ti
Những cách tăng serotonin tự nhiên
Bạn có thể cải thiện nồng độ serotonin tự nhiên bằng những cách sau đây:
Ăn uống đủ dinh dưỡng
Để sản xuất serotonin, não bộ cần có nguyên liệu là tryptophan. Mà cơ thể không tự tổng hợp được chúng mà chỉ có thể hấp thụ tryptophan từ thức ăn.
Bởi vậy, nếu bạn có chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng, não bộ thiếu nguyên liệu để sản xuất serotonin, dẫn đến thiếu hụt chất này.
Các loại thực phẩm giàu tryptophan bao gồm:
- Bí ngô và hạt bí
- Socola, yến mạch và cám chưa nấu chín
- Sữa chua, phô mai, sữa tươi
- Thịt đỏ: Thịt bò, thịt chó…
- Trứng, thịt gà, các loại cá: Cá hồi, cá bơn, cá tuyết chấm đen…
- Hải sản: Cua, bạch tuộc, nghêu, tôm, hàu…
- Đậu tương, đậu lăng, đậu trắng…
Phơi nắng
Các chuyên gia cho biết, ánh nắng mặt trời không chỉ giúp tổng hợp vitamin D mà còn kích thích sản xuất serotonin cho cơ thể. Vì vậy, bạn nên dành tối thiểu 15-20 phút tắm nắng vào buổi sáng mỗi ngày.
Vận động cơ thể
Tập thể dục không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, giải tỏa stress mà còn tăng khả năng hấp thụ tryptophan vào máu, hỗ trợ quá trình sản xuất serotonin trong não bộ.
Bạn có thể lựa chọn bất kỳ bài tập nào mà bạn thấy thoải mái như chạy bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ… Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập thể dục với cường độ vừa phải, đừng để cơ thể quá mệt mỏi tránh tác dụng ngược.
Chạy bộ, vận động cơ thể giúp tăng tiết serotonin tự nhiên
Áp dụng các biện pháp thư giãn tinh thần
Các biện pháp thư giãn tinh thần như massage, yoga… giúp cơ thể sảng khoái, tăng giải phóng hormone hạnh phúc serotonin và dopamin.
Những biện pháp này còn giúp giảm nồng độ hormone gây căng thẳng (cortisol) trong máu.
Một nghiên cứu năm 2004 trên 84 phụ nữ mang thai bị trầm cảm đã phát hiện ra rằng, sau 16 tuần, những người được bạn đời massage tối thiểu 20 phút, 2 lần/tuần có mức serotonin cao hơn so với những người không được massage.
Bổ sung lợi khuẩn
Hệ vi sinh đường ruột là nơi sản sinh ra 90% lượng serotonin của cơ thể. Vì vậy khi tăng cường sức khỏe đường ruột, bạn sẽ có đủ lượng hormone hạnh phúc.
Để bổ sung lợi khuẩn, bạn chỉ cần ăn dưa bắp cải, kim chi, sữa chua kefir mỗi ngày là được.
Có thể thấy, serotonin rất quan trọng đối với cơ thể, nhất là sức khỏe tâm thần. Nếu chẳng may bạn có dấu hiệu bị thiếu hụt hormone này, hãy tham khảo các biện pháp đã viết ở trên hoặc liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0243.760.6666 để được giúp đỡ nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập