Mục lục [Ẩn]
Từ lâu, trong quan điểm của người Việt Nam nói riêng và các nước phương Đông nói chung, người đàn ông được coi là trụ cột trong gia đình, là người kiếm tiền, lo kinh tế chính trong nhà và quyết định mọi thứ trong gia đình còn người vợ quán xuyến nhà cửa, chăm nom con cái, giữ lửa gia đình. Nhưng khi vợ chồng “đổi chỗ” cho nhau thì sao?
Vợ làm trụ cột gia đình.
Nhiều nam giới áp lực, căng thẳng khi thua kém vợ
Trên thực tế, có không ít trường hợp người đàn ông cảm thấy tự ti chỉ vì vợ học cao hơn chồng, có địa vị xã hội hơn chồng, kiếm nhiều tiền hơn...
Như trường hợp của anh Toàn (Gia Lâm, Hà Nội) đã gửi đơn ly hôn ra tòa vì không chịu được cảm giác bị vợ coi thường. Được biết, anh làm trong một đơn vị hành chính sự nghiệp, mỗi tháng lương anh Toàn chỉ vài triệu đồng, trong khi anh hay phải đi sớm về muộn và công tác xa nhà. Vì chỉ biết chăm chú vào công việc, có lương mà không có “lậu” khiến anh Toàn thường xuyên bị vợ ca thán, so sánh với người khác. Thậm chí, ở nơi đông người, vợ anh còn nói rằng “em thừa khả năng nuôi mình và nuôi con, trông đợi gì được vào chồng”, hay “anh cứ lo được cho cái thân mình đi đã, rồi hẵng nói”,... khiến anh cảm thấy xấu hổ muốn độn thổ.
Theo anh, do tính chất công việc của anh kiếm được ít tiền chứ không phải do anh dốt nát hay lười biếng gì. Còn theo quan điểm của vợ, chị cho rằng anh không năng động, không lo lắng cho tương lai của vợ con nên mới dậm chân tại chỗ, chứ nhiều người cùng làm với anh đều có thể kiếm ngoài được kha khá. Ngày càng cảm thấy mệt mỏi với những lời bóng gió, chì chiết của vợ, anh quyết định ly hôn.
Gia đình anh Toàn không phải trường hợp duy nhất xảy ra mâu thuẫn, thậm chí đứng trước bờ vực tan vỡ vì chồng “lép vế” vợ.
Anh Minh (Nghệ An) cũng sợ về nhà vì thua kém vợ. Anh Minh là giảng viên một trường cao đẳng. Tổng thu nhập từ lương cơ bản, viết tài liệu... khoảng hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, vợ anh là trưởng phòng của một công ty xây dựng, thu nhập gấp 2,5 lần chồng. Hằng tháng, anh Minh đưa vợ hơn 7 triệu đồng, giữ lại ít tiền xăng xe, tiêu vặt. Nuôi 2 con, cộng thêm trả lãi ngân hàng mua nhà nên mọi chi phí đều do vợ anh cáng đáng.
Anh cho biết, vợ anh chê anh lương thấp, giậm chân mãi một chỗ, kêu anh nhìn bạn bè mà phấn đấu. “Tôi biết vợ chịu áp lực khi có nhiều thứ phải lo, cũng rất thương cô ấy nhưng khả năng tôi chỉ có vậy. Tôi đã thử đi dạy thêm ở một số nơi. Một thời gian thấy không ổn khi con không ai chăm, nhà không ai lo cơm nước vì vợ đi làm đến tối muộn. Nói điều này thì vợ cho rằng trong lúc kinh tế gia đình còn khó khăn, đàn ông phải chủ động xông ra ngoài kiếm tiền cho vợ con bớt khổ. Bởi vậy, bây giờ hết giờ làm tôi lại có cảm giác sợ về nhà, sợ đối diện gương mặt cau có, tiếng thở dài của vợ…" - anh Minh tâm sự.
Vợ có địa vị xã hội cao hơn, kiếm nhiều tiền hơn làm chồng có cảm giác bị lấn át, luôn mặc cảm, tự ti, có cảm giác "hèn hèn" nên không dám "mạnh mồm" trong giao tiếp hàng ngày. Người trong nói ra, người ngoài nói vào, người thân, bạn bè châm chọc, coi thường khiến nam giới càng trở nên căng thẳng, áp lực. Có một số người chồng vì để vợ không coi thường mình thì khích bác, châm chọc, tỏ vẻ coi thường những cái mà người vợ đạt được… Thực tế, nhiều nam giới lại hạnh họe khi người vợ phải lao ra ngoài kiếm sống, phó mặc việc nhà, con cái cho vợ, lên mặt gia trưởng nạt nộ để khỏa lấp sự tự ti, kém cỏi của mình. Và khi cảm thấy không nhận được cả vật chất lẫn tình cảm từ chồng, người phụ nữ dễ bất mãn, khinh khi "nửa kia". Thậm chí, vì không tìm được cảm giác làm “trụ cột” ở trong gia đình mà không ít nam giới đã ngoại tình để được làm “trụ cột” ở chỗ khác.
Nhiều nam giới ngoại tình để tìm kiếm cảm giác được làm “trụ cột”.
Tại sao nam giới dễ bị áp lực khi vợ kiếm được nhiều tiền hơn?
Do quan điểm xã hội
Nguyên nhân bởi vì từ xa xưa, theo các tư tưởng được áp dụng và dạy dỗ từ đời này qua đời khác, định hình dần nên một kiểu mẫu là người đàn ông phải gánh vác được gia đình, phải là người quyết định mọi thứ trong gia đình,... Mua nhà, kiếm tiền nuôi vợ con, thờ cúng tổ tiên... đã trở thành bổn phận. Điều này vô hình tạo một sức ép tới các đấng mày râu, khiến họ luôn muốn phải "hơn" vợ. Và trong nhiều trường hợp, khi không kiếm đủ tiền trang trải cho gia đình hoặc kiếm thua vợ, họ cảm thấy khó chịu, dễ tự ái, tổn thương. Đây có thể là ngòi nổ cho những mâu thuẫn trong hôn nhân, thậm chí dễ dẫn đến các vấn đề tâm lý cho đàn ông. Tuy nhiên, thời đại bình đẳng giới, thị trường lao động nhiều cạnh tranh,không phải người chồng nào cũng là trụ cột kinh tế.
Do cảm thấy bị vợ khinh thường
Người phụ nữ khi độc lập về tài chính, không bị lệ thuộc vào chồng, thường có thể và tự cho phép mình quyết định nhiều vấn đề mà không cần hỏi ý kiến bạn đời. Hơn nữa, nhiều khi do phải lao vào kiếm tiền, họ cũng có thể không còn dành được nhiều thời gian cho gia đình, hay mệt mỏi, cáu gắt... dễ gây hiểu lầm cho chồng và khiến hai bên xảy ra xung đột nhiều hơn.
Trong thực tế cuộc sống gia đình, khi một người mạnh về kinh tế hơn người kia thì thường nâng cái tôi của mình lên, cho mình cái quyền làm đúng, nghĩ đúng, quyết định đúng hơn bạn đời. Cả đàn ông và phụ nữ đều vậy. Thường cái tôi của người đàn ông lớn hơn, khi thấy vợ kiếm được nhiều tiền hơn, vợ chứng tỏ "cái tôi" của mình to hơn, họ dễ thấy bị sỉ nhục và nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. Nếu tất cả xung đột không được giải quyết ngay từ đầu, người phụ nữ sẽ ngày càng khinh khi, hết yêu chồng, có xu hướng nhìn ra ngoài nhiều hơn, so sánh chồng với người đàn ông khác, từ đó dẫn đến sự đổ vỡ.
Người vợ không nên tỏ thái độ coi thường chồng.
Do người xung quanh đàm tiếu
Không ít trường hợp gia đình xảy ra mâu thuẫn, thậm chí tan vỡ vì những người xung quanh đàm tiếu khi thấy vợ giỏi hơn chồng. Nhiều người rất vô duyên, khi thấy người vợ có chức vị cao hơn, kiếm được nhiều tiền hơn chồng thì sẽ tỏ ý coi thường người đàn ông, rằng “vợ nó kiếm ra tiền thì nó mới có ô tô, có nhà đẹp mà dùng, mà ở”, rồi là “bám váy vợ”. Thậm chí, họ còn khích rằng “đàn ông để vợ quản thì hèn lắm, đàn ông mà kém cỏi, tiêu tiền của vợ thì quá hèn”, hay “đàn ông không thể khiến cho vợ nó đè đầu cưỡi cổ mình”,...
Những anh nào không có lập trường sẽ bị những lời gièm pha, bị miệng lưỡi thiên hạ làm cho điên đảo. Họ sẽ cảm thấy tự ti, mặc cảm, áp lực trước vợ của mình, thậm chí dẫn đến các vấn đề tâm lý, ví dụ như trầm cảm.
Phải làm sao khi “chồng thấp vợ cao”?
Thực tế, việc ai kiếm nhiều tiền hơn không phải là nguyên nhân chính gây rạn vỡ mà là thái độ của người trong cuộc, và cách họ ứng xử, giải quyết trước những phát sinh từ đó. Điều cốt lõi để gìn giữ hôn nhân chính là người trong cuộc luôn trong tâm thế tôn trọng nhau, nếu góp ý thì phải trên tinh thần xây dựng.
Với người chồng
Trước tiên, bạn cần thiết lập lại tư tưởng của chính bản thân mình trước. Trách nhiệm đóng góp cho gia đình của vợ và chồng như nhau. Nếu đàn ông không có cơ hội kiếm tiền nhiều thì để vợ ra ngoài xông pha, còn mình chăm sóc gia đình. Chuyện kiếm tiền là cần thiết nhưng việc chăm sóc con cái, gìn giữ mái ấm hạnh phúc cũng quan trọng không kém
Bước tiếp theo, bạn hãy nghĩ lại năm đó, tại sao bạn và vợ của mình lại quyết định ở bên nhau, còn không phải vì tình yêu ư? Nếu như sau khi hai người đã ở bên nhau, thu nhập là thứ kéo xa khoảng cách giữa hai người, vậy thì hãy cứ thoải mái thừa nhận rằng bản thân vì chênh lệch thu nhập mà cảm thấy tự ti, khủng hoảng, đừng có cứ giữ ở trong lòng, đợi đến lúc xảy ra vấn đề rồi lại đi cãi nhau, thực tế thì cãi nhau cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Bạn cần phải biết rằng người kiếm được nhiều tiền hơn không hề sai, người kiếm ít hơn cũng không sai, điều này liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề, nên bạn chẳng việc gì phải làm khó bản thân cả.
Vợ kiếm được nhiều tiền hơn thì chồng nên khuyến khích, ủng hộ, nâng cao hiểu biết, phát triển bản thân và có trách nhiệm hơn để vợ luôn cảm nhận được điểm tựa vững chắc, đáng tin cậy.
Với người vợ
Người phụ nữ cũng sẽ đóng vai trò quan trọng không kém trong việc giữ cân bằng trong mối quan hệ hôn nhân này. Người vợ nên có cách ứng xử tế nhị, không ỷ vào sức mạnh đồng tiền khiến người đàn ông cảm thấy lép vế.
Nếu họ biết "vuốt ve" lòng tự trọng của đàn ông, khéo léo trong cách cư xử thì đàn ông sẽ cảm thấy họ vẫn được tôn trọng, vẫn là người có thể che chở cho gia đình. Các chị hãy động viên chồng, dù gặp những chuyện nhỏ to hãy cùng chia sẻ và tham khảo ý kiến của chồng. Có như thế, người chồng sẽ thấy mình vẫn là người quan trọng, và có "tiếng nói" trong nhà.
Tuy nhiên, cách ứng xử khôn khéo nhất vẫn là khéo léo tâm sự và cùng chồng bàn bạc hướng để anh ấy vươn lên trong cuộc sống như tạo điều kiện cho anh ấy đi học, giúp đỡ anh trong làm ăn.
Người đàn ông khi cảm thấy không bằng vợ rất dễ cảm thấy tự ti, mặc cảm, áp lực. Tuy nhiên, đây không phải nguyên nhân chính dẫn đến những mâu thuẫn, tan vỡ trong gia đình mà là thái độ của người trong cuộc, và cách họ ứng xử, giải quyết trước những phát sinh từ đó. Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, vợ chồng cần có thái độ tôn trọng lẫn nhau. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập