Mục lục [Ẩn]
Rối loạn lo âu, trầm cảm là những căn bệnh về tâm lý, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên các chuyên gia đã nhận thấy rằng, một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Vậy cụ thể, những người đó là ai? Mời các bạn tìm hiểu ở bài viết dưới đây!
Những đối tượng nào dễ bị rối loạn lo âu, trầm cảm?
Rối loạn lo âu, trầm cảm là chứng bệnh như thế nào?
Rối loạn lo âu là chứng bệnh đặc trưng bởi cảm giác lo sợ lan tỏa, khó chịu, có thể kèm theo các triệu chứng liên quan đến thần kinh tự chủ như hồi hộp, khô miệng, bứt rứt không thể ở yên một chỗ, vã mồ hôi, đau đầu…
Trầm cảm (Depression) đặc trưng bởi cảm giác trống rỗng, buồn bã và mất hứng thú dai dẳng.
Một người có thể mắc 1 trong 2 tình trạng trên hoặc thậm chí là cả hai. Khi bị cả rối loạn lo âu và trầm cảm, người bệnh có triệu chứng của cả hai tình trạng này nhưng không có dấu hiệu nào chiếm ưu thế rõ ràng.
Dù gặp tình trạng gì, người bệnh cũng đều chìm trong suy nghĩ lo âu tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị kịp thời, rối loạn lo âu, trầm cảm trở nặng sẽ dẫn đến các hành vi tiêu cực như tự hại hoặc tự sát.
Những đối tượng dễ bị rối loạn lo âu, trầm cảm hiện nay
Những đối tượng có nguy cơ cao bị rối loạn lo âu, trầm cảm hiện nay bao gồm:
Tuổi học đường
Những đối tượng này tâm lý thường rất nhạy cảm bởi các hormone trong cơ thể thay đổi trong giai đoạn dậy thì, đồng thời suy nghĩ còn non nớt, chưa được trải nghiệm cuộc sống thực tế. Bởi vậy các bạn trẻ sẽ dễ bị kích động, dễ bị điều hướng suy nghĩ theo những lời nói của người khác, khó kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Cộng thêm các tác động từ bên ngoài như:
Áp lực học tập: Bố mẹ hay so sánh với con nhà người ta, kỳ vọng quá lớn, khối lượng bài vở khổng lồ…
Áp lực học tập khiến cho giới trẻ rơi vào trầm cảm
Gia đình không hạnh phúc:
- Chứng kiến bố mẹ cãi nhau thường xuyên
- Bố mẹ đối xử không công bằng giữa các con
- Bố hoặc mẹ dính đến tệ nạn xã hội
- Bố mẹ ly hôn
Bị bạo lực thể chất và tinh thần, lạm dụng tình dục, bạo lực học đường.
Phụ nữ sau sinh
Sau sinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể người mẹ giảm mạnh đột ngột. Từ đó, họ trở nên căng thẳng, lo âu, dễ xúc động.
Lúc này, nếu có sự chia sẻ, yêu thương, chăm sóc từ người thân, đặc biệt là người chồng, chị em phụ nữ có thể dễ dàng vượt qua được. Ngược lại, khi không có điều đó, thậm chí còn xuất hiện những vấn đề như:
- Kinh tế khó khăn, tiền sinh hoạt, nuôi con không đủ dùng.
- Chồng vô tâm, không giúp đỡ, chăm sóc con
- Chồng ngoại tình
- Mâu thuẫn với mẹ chồng
Vốn dĩ, cơ thể người phụ nữ sau sinh đã yếu, lại nhiều vấn đề xảy ra khiến họ càng mệt mỏi, chán nản, dần bị trầm cảm.
Một khi mắc bệnh, người mẹ sẽ không còn đủ tâm trí để chăm sóc tốt cho gia đình và đứa trẻ. Nguy hiểm hơn, nếu trầm cảm nặng, họ sẽ xuất hiện ý nghĩ đến tự tử. Một số trường hợp còn có cảm giác bị hại nên tìm cách để trả thù hay đối phó với mọi người muốn đến gần mình.
Thậm chí, có bà mẹ nghĩ con mình bị ma quỷ nhập nên tìm cách trừ tà, hại đến tính mạng của đứa bé.
Người tuổi trung niên
Những người độ tuổi trung niên từ 45 đến 65 tuổi cũng có nguy cơ bị rối loạn lo âu, trầm cảm bởi:
- Áp lực cơm áo gạo tiền: Bước vào tuổi trung niên, có người sẽ đạt được thành công nhất định. Thế nhưng cũng có người rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc phá sản. Chẳng hạn như người lao động tay chân, tuổi tác khiến họ giảm thể lực, hiệu suất làm việc không còn đảm bảo nữa. Theo đó, họ dễ bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc. Nỗi lo cơm áo gạo tiền bủa vây khiến đối tượng này dễ rơi vào tình trạng stress, lo âu, thậm chí là trầm cảm.
Người tuổi trung niên bị thất nghiệp dễ rơi vào trầm cảm
- Hôn nhân đổ vỡ: Sau nhiều năm chung sống, cuộc sống hôn nhân có thể sẽ xảy ra nhiều rạn nứt, cãi vã, ngoại tình. Khi không chấp nhận được điều đó, cuộc hôn nhân sẽ đi đến chặng đường cuối là ly hôn. Việc này tác động lớn đến sức khỏe tâm thần của cả vợ và chồng, là nguồn cơn dẫn đến tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm.
- Chồng hoặc vợ nợ nần, cờ bạc: Bất kể chồng hay vợ nghiện cờ bạc cũng dẫn đến hệ lụy là khuynh gia bại sản, nhà cửa ly tán. Người còn lại thường thương xót, cố gắng trả nợ. Thế nhưng, càng trả, họ lại càng rơi vào tuyệt vọng, trầm cảm vì con nghiện cờ bạc không hối cải.
- Giảm sinh lý ở nam giới: Tuổi trung niên cũng là lúc người đàn ông bước vào giai đoạn mãn dục nam do nồng độ testosterone suy giảm. Lúc này, họ dễ gặp vấn đề tình dục như rối loạn cương dương, xuất tinh sớm. Họ cảm thấy tự ti, mất bản lĩnh đàn ông.
Testosterone còn là yếu tố giúp tăng giải phóng dopamine và serotonin. Đây là các hormone hạnh phúc, giúp cải thiện tâm trạng, tạo cảm giác vui vẻ, dễ chịu. Sự suy giảm nồng độ testosterone có thể góp phần làm giảm nồng độ hai hormon này, khiến người đàn ông dễ chán nản, bi quan, mệt mỏi, cáu kỉnh, đặc biệt là khi họ gặp phải những vấn đề khác như thất nghiệp, bệnh tật…
Một số trường hợp khác do người vợ bước sang giai đoạn tiền mãn kinh, không đáp ứng đủ nhu cầu sinh lý cũng rơi vào trầm cảm.
- Phụ nữ sau tuổi 45 bị tiền mãn kinh: Giai đoạn này, các nội tiết tố bị rối loạn khiến phụ nữ gặp tình trạng khô hạn, giảm sinh lý, da dẻ xấu đi… Họ lo lắng bản thân không còn đẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu người chồng, sợ đối phương đi ngoại tình.
Phụ nữ tuổi trung niên thường lo lắng về ngoại hình
Người cao tuổi
Ở người cao tuổi, các nội tiết tố và các chức năng trong cơ thể đều suy giảm. Họ dễ mắc các vấn đề về sức khỏe, tâm lý lo lắng, căng thẳng hơn.
Thêm nữa lúc này, họ cũng đến tuổi nghỉ hưu. Khi đang làm việc, họ quen với nhịp sống náo nhiệt, có đồng nghiệp, có chức có quyền. Về hưu, họ quanh quẩn ở nhà cả ngày, con cháu thì ở xa, cuộc sống tẻ nhạt khiến họ chán nản.
Đặc biệt, khi chồng hoặc vợ mất, người còn lại sẽ rất cô đơn, buồn khổ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm.
Có trường hợp, con cái làm ăn thất bại hoặc ăn chơi vô độ, khiến đối tượng này phải trả nợ trong khi lương hưu ít ỏi. Hoặc họ bị lừa đảo, mất hết tiền dành dụm bao năm nay. Họ rơi vào bế tắc, trầm cảm.
Trường hợp khác bị đột quỵ, nằm tại chỗ, mất khả năng lao động. Họ nghĩ bản thân thật vô dụng, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội, cứ thế rơi vào trầm cảm.
Như vậy, mỗi đối tượng đều có rất nhiều yếu tố tác động dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm. Nếu không điều trị sớm, những suy nghĩ tiêu cực sẽ nhấn chìm họ, khiến họ dẫn đến các hành vi tự hại bản thân, thậm chí là tự tử. Muốn biết cách vượt qua căn bệnh này như thế nào, mời các bạn liên hệ đến chuyên gia tư vấn tâm lý theo số điện thoại 0243.760.6666 giờ hành chính để được giải đáp nhanh nhất. Chúc các bạn khỏe mạnh!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập