Mục lục [Ẩn]
Khi nhắc đến bạo hành, đa phần chúng ta chỉ nghĩ đến hành động dùng vũ lực làm tổn thương người khác. Ít ai chú ý tình trạng bạo hành bằng lời nói đang ngày càng phổ biến. Nó không gây hại đến thể chất nhưng lại âm thầm bào mòn sức khỏe tinh thần, khiến nạn nhân dễ mắc các bệnh tâm lý.
Tìm hiểu về tình trạng bạo hành bằng lời nói
Bạo hành bằng lời nói là gì?
Bạo hành bằng lời nói (Verbal Abuse) hay bạo hành ngôn ngữ là một dạng của bạo hành tinh thần. Kẻ bạo hành sẽ dùng những lời nói nặng nề, cực đoan để làm tổn thương tâm lý nạn nhân.
So với bạo lực, bạo hành bằng lời nói khó xác định hơn. Những kẻ bạo hành có thể vừa làm tổn thương lòng tự trọng của bạn, lại vừa tỏ ra quan tâm sâu sắc đến bạn. Nhiều trường hợp đã không nhận ra bản thân bị bạo hành ngôn ngữ, cho rằng lời nói của kẻ khác về bản thân là đúng, hình thành những cảm xúc tiêu cực, dần rơi vào hố sâu bệnh tâm lý.
Bạo hành bằng lời nói có thể ảnh hưởng đến bất cứ đối tượng nào. Nếu trước đây, nạn nhân thường gặp nhất là trẻ em và phụ nữ thì hiện nay, kể cả người đàn ông cũng trở thành nạn nhân của tình trạng này.
Các hình thức phổ biến của bạo hành bằng lời nói
Bạo hành bằng lời nói có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm:
- Gọi tên tiêu cực: Kẻ bạo hành tự đặt cho bạn những biệt danh xấu xí và chỉ gọi bạn bằng cái tên đó. Họ không quan tâm bạn có thích nó hay không mà cứ mặc định thấy bạn là gọi tên tiêu cực, khiến bạn cảm thấy khó chịu.
- Hạ thấp bạn: Kẻ đó sẽ sử dụng những lời chỉ trích, chế giễu hoặc mỉa mai nhằm hạ thấp bạn. Chúng có thể nhận xét về cách nói chuyện, cách ăn mặc hoặc trí thông minh của bạn. Bất cứ nhận xét nào khiến bạn cảm thấy tự ti hoặc xấu hổ thường là do kẻ bạo hành cố ý.
Kẻ bạo hành thường chỉ trích, mỉa mai nhằm hạ thấp bạn
- Sử dụng lời nói đe dọa: Các lời nói đe dọa đối với cơ thể và cuộc sống chính là dấu hiệu bạo hành bằng lời nói. Nếu bạn cảm thấy bất an, phải thận trọng trong từng câu nói của bản thân thì chứng tỏ, bạn đang là nạn nhân. Kể cả khi người thân của bạn nói đùa mang tính đe dọa, bạn cũng phải thận trọng đề phòng.
- Đổ lỗi: Nếu ai đó mất bình tĩnh và đổ lỗi cho bạn về những hành động hay hành vi của họ thì chứng tỏ họ đang bạo hành ngôn ngữ với bạn. Những lời bào chữa của kẻ bạo hành cố ý khiến bạn bối rối và dẫn tới việc bạn xin lỗi vì hành động của họ. Sau đó, họ lại thay đổi thái độ, trìu mến với bạn để khiến bạn tin rằng họ không bao giờ làm tổn thương bạn. Hình thức bạo hành bằng lời nói này thường khó nhận ra.
- Trốn tránh phản ứng của bạn: Sau khi làm bạn tổn thương, khó chịu bằng lời nói tiêu cực, kẻ bạo hành sẽ trốn tránh thảo luận lại vấn đề cũ. Kể cả khi, bạn có yêu cầu trao đổi lại đi chăng nữa. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, bạn hãy cảnh giác có thể bản thân đang bị bạo hành bằng lời nói.
- Thao túng: Việc sử dụng các ngôn từ đe dọa dai dẳng và dữ dội khiến bạn có hành động không đúng ý muốn của bản thân nhưng lại không có cách nào từ chối, phản kháng. Tình trạng bạo hành bằng lời nói này sẽ thao túng tâm lý của bạn, làm bạn không còn khả năng phân biệt đúng sai.
Nhìn chung, các hình thức bạo hành bằng lời nói có biểu hiện tương đối đa dạng. Đặc điểm chung của tất cả các hình thức đó là gây tổn thương, buồn bã, đau khổ cho nạn nhân.
Làm sao để nhận biết tình trạng bạo hành bằng lời nói
Cách nhận biết tình trạng bạo hành bằng lời nói
Kẻ bạo hành bằng lời nói thường có một số đặc điểm nhận biết như sau:
- Nói chuyện lớn tiếng, có lời nói đe dọa, uy hiếp người khác.
- Luôn trêu chọc bằng những lời nói, từ ngữ cực đoan.
- Đặt cho nạn nhân những biệt danh tồi tệ để mỉa mai, cợt nhả.
- Có những lời nói mỉa mai, châm chọc về tên họ, xuất thân, thân hình, cách ăn mặc, lời nói,…
- Cha mẹ bạo hành bằng lời nói với con cái thông qua những lời quát mắng, chì chiết, trách móc, so sánh với con nhà người ta.
- Một số cha mẹ độc hại còn thể hiện cảm xúc quá khích. Họ luôn lấy con cái làm đối tượng trút giận khi gặp áp lực trong cuộc sống.
- Chỉ trích và đổ lỗi cho người khác trong mọi vấn đề, không quan tâm đến cảm nhận của đối phương.
- Đay nghiến nạn nhân bằng những câu nói có “tính sát thương cao”.
- Thích đề cao bản thân và hạ thấp đối phương
- Có những lời nói buộc tội nạn nhân một cách vô lý.
Trường hợp khó nhận biết kẻ bạo hành bằng lời nói, bạn có thể xem xét cảm nhận của bản thân về chính mình. Nếu có những dấu hiệu dưới đây, khả năng cao bạn đang là nạn nhân của bạo hành ngôn ngữ:
- Lòng tự trọng thấp: Bạn cảm thấy bản thân bị kìm nén cảm xúc và cố gắng làm hài lòng đối phương. Đôi khi, bạn cảm thấy chán nản hoặc tự hỏi “liệu mình có bị điên không?”. Bạn giữ tâm trạng, cảm xúc tiêu cực cho riêng mình và tự trừng phạt bản thân.
- Cảm thấy bản thân không còn là chính mình: Bạo hành bằng lời nói có thể thay đổi cách mà bạn cảm nhận về bản thân. Bạn bị cuốn vào mối quan hệ và cố gắng tránh làm mất lòng đối phương. Thậm chí nhiều trường hợp còn đánh mất bản chất chính mình trước đây.
- Không có cảm giác an toàn: Bạn không có cảm giác an toàn khi ở bên người ấy. Bạn thấy thật thoải mái, nhẹ nhõm nếu không có mặt người đó.
Tác hại của bạo hành bằng lời nói là gì?
Tác hại của bạo hành bằng lời nói
Bạo hành bằng lời nói thường gây ra những tổn thương và nỗi đau tâm lý rất nặng nề cho nạn nhân, nhất là khi tình trạng này kéo dài dai dẳng. Thời gian đầu, lời nói tiêu cực khiến họ buồn bã, tự ti về bản thân. Về lâu dài, nạn nhân trở nên lòng tự trọng thấp, không dám thể hiện bản thân. Tâm lý dần bất ổn, khó kiểm soát.
Điều đáng ngại là những người xung quanh (bao gồm cả kẻ bạo hành) hầu như không nhận ra tổn thương tâm lý của nạn nhân. Họ không giúp đỡ và tiếp tục lời nói bạo hành, khiến tinh thần nạn nhân ngày càng tồi tệ.
Nhiều trường hợp bị bạo hành bằng lời nói trong thời gian dài xuất hiện các vấn đề về tâm lý như: Stress mãn tính, lạm dụng chất kích thích, rối loạn lo âu, trầm cảm…
Chính vì vậy, bạn cần chấm dứt tình trạng bạo hành càng sớm càng tốt. Bạn có thể nói trực tiếp với kẻ bạo hành để họ ngừng lại lời nói tiêu cực. Nếu họ không thay đổi, bạn không giao tiếp với họ nữa. Bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác hoặc tìm chuyên gia tâm lý khi cần thiết.
Đến đây, hy vọng các bạn đã biết thông tin chi tiết về tình trạng bạo hành bằng lời nói. Tổn thương do nó gây ra không kém gì bạo hành thể chất. Vì vậy, bạn đừng cố chịu đựng mà hãy ngăn chặn nó càng sớm càng tốt.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập