Mục lục [Ẩn]
Khi mà xã hội hiện đại đang ngày càng đề cao những nét tính cách hướng ngoại như kỹ năng thuyết trình trước đám đông, làm việc nhóm, năng động, giàu năng lượng, tự tin… thì liệu những người mang tính cách hướng nội có bị thiệt thòi hay không? Và nếu bạn là một người hướng nội, xu hướng tính cách này có nguy hiểm hay không? Hãy cùng giải đáp trong bài viết dưới đây nhé.
Hướng nội là gì?
Thuật ngữ “hướng nội” lần đầu tiên được phổ biến bởi nhà tâm lý học Thụy Sĩ nổi tiếng Carl Jung vào năm 1920. Lý thuyết của ông đã đề cập tới hai xu hướng tính cách trái ngược dựa trên nơi mà họ tìm thấy nguồn năng lượng của mình, đó chính là người hướng nội và người hướng ngoại.
Người hướng nội thường được xem là người trầm lặng, kín đáo và cẩn thận. Họ có được năng lượng từ sự suy ngẫm, tập trung vào cảm xúc của bản thân trong những khoảng thời gian mà bản thân họ chỉ có một mình. Các hoạt động xã hội được xem là những điều khiến họ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.
Trong khi đó, người hướng ngoại lại được mô tả là có sở thích tìm kiếm, tham gia và tận hưởng các tương tác xã hội. Chính các mối quan hệ xã hội đó lại là nguồn năng lượng cho người hướng ngoại.
Hướng nội và hướng ngoại là hai thái cực đối lập, tuy nhiên hầu hết cá nhân đều mang những đặc điểm của cả hướng nội và hướng ngoại. Tức là, người hướng nội vẫn có những tính cách của người hướng ngoại, người hướng ngoại thỉnh thoảng vẫn thích sự cô độc và muốn dành thời gian một mình. Vấn đề chỉ nằm ở nét tính cách nào chiếm ưu thế mà thôi.
Hướng nội có phải nhút nhát?
Mặc dù nhút nhát là một đặc điểm phổ biến ở những người hướng nội, nhưng không nhất thiết là tất cả những người hướng nội đều nhút nhát .
Cần lưu ý rằng hướng nội là một đặc điểm tính cách, trong khi nhút nhát là một cảm xúc. Điểm giống nhau duy nhất giữa hai điều này là sự tương tác xã hội hạn chế. Mặc dù người hướng nội có thể tránh đám đông, nhưng họ thích giao lưu với những người thân thiết và tham gia vào các cuộc trò chuyện có ý nghĩa.
Một người hướng nội có thể cảm thấy cạn kiệt năng lượng về tinh thần, cảm xúc và thể chất khi họ phải giao tiếp hoặc tương tác với các nhóm lớn. Còn một cá nhân nhút nhát sẽ cảm thấy lo lắng hoặc ám ảnh khi bị buộc phải tham dự một sự kiện xã hội, đặc biệt là khi có sự hiện diện của người lạ.
Trong khi một người nhút nhát có thể tránh giao tiếp xã hội để tránh những cảm giác tiêu cực như vậy, thì một người hướng nội thường tránh các tình huống xã hội và dành thời gian cho bản thân để cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn.
Tóm lại, hướng nội và nhút nhát là hoàn toàn khác nhau, người hướng nội chỉ là không thích những cuộc giao tiếp xã hội mà họ cho là không cần thiết, nhưng khi buộc phải đứng trước đám đông, họ vẫn có thể làm được, trong khi người nhút nhát thì không.
Xin mời các bạn theo dõi thêm bài viết: Rối loạn lo âu xã hội là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị.
Dấu hiệu của người hướng nội
Người ta tin rằng có khoảng 25 - 40% dân số trên thế giới mang tính cách hướng nội. Tuy nhiên, mỗi người lại có thể có những biểu hiện khác nhau. Dưới đây là một số dấu hiệu chung nhất của người hướng nội:
- Ưu tiên thời gian cho môi trường yên tĩnh và cô độc
- Dành nhiều thời gian để quan sát, phân tích các tình huống trước khi đưa ra quyết định
- Học hỏi từ những quan sát của bản thân thay vì tương tác xã hội
- Có nhu cầu riêng tư mạnh mẽ và tránh chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc
- Sáng tạo và giàu trí tưởng tượng
- Dễ mơ mộng
- Có xu hướng viết hoặc nhắn tin để bày tỏ cảm xúc hơn là nói
- Thích làm việc một mình hơn là làm việc theo nhóm
- Thích các mối quan hệ thân thiết trong một nhóm nhỏ hơn là nhiều mối quan hệ
- Hòa đồng và thân thiện với những người thân thiết
Các kiểu hướng nội
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Jonathan Cheek, hướng nội có thể chia làm bốn dạng riêng biệt, bao gồm: xã hội, suy nghĩ, lo lắng và kiềm chế. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, một người hướng nội thường có xu hướng sở hữu đặc điểm của cả bốn nhóm, trong đó có một nhóm chủ đạo chứ không phải chỉ mang đặc điểm của một nhóm duy nhất.
1. Người hướng nội xã hội
Đây là những người tránh tiếp xúc với các nhóm xã hội lớn, họ chỉ tập trung giao tiếp với các nhóm nhỏ có những người thân yêu của họ. Họ thích ở một mình hơn là giao tiếp xã hội và thích ở nhà tham gia vào những hoạt động chỉ có một mình họ như đọc sách, xem phim, vẽ tranh… Tuy nhiên hành vi đó không phải là do lo lắng hay nhút nhát.
2. Suy nghĩ hướng nội
Những người này có nét tính cách rất chu đáo và sống nội tâm. Họ có thể dành nhiều thời gian đắm chìm trong những suy nghĩ và mơ mộng. Họ có thể thích tương tác với người khác và có xu hướng tương đối hòa đồng hơn người hướng nội xã hội. Họ đặc biệt sáng tạo và giàu trí tưởng tượng.
Người hướng nội có trí tưởng tượng rất phong phú
3. Người hướng nội hay lo lắng
Những người hướng nội theo kiểu này lại có xu hướng tìm kiếm sự cô độc vì môi trường xã hội khiến họ bị lo lắng nhiều hơn những kiểu hướng nội khác. Họ có thể cảm thấy rất e dè, lúng túng, lo lắng và choáng ngợp khi buộc phải giao tiếp xã hội. Nếu buộc họ phải đứng trước đám đông, có thể dẫn đến các kiểu suy nghĩ và hành vi tiêu cực như suy nghĩ quá nhiều, tự phê bình…
4. Người hướng nội kiềm chế
Họ là những người bình tĩnh và tự chủ. Họ suy nghĩ và phân tích trên nhiều khía cạnh khác nhau trước khi nói, quyết định hoặc một hành động nào đó. Họ hành động theo kế hoạch riêng của họ và cảm thấy thoải mái, đồng thời họ cũng có thể sẵn sàng hòa đồng trong một số tình huống cần thiết.
Hướng nội có nguy hiểm không?
Như đã nêu ở phần đặt vấn đề, trong một xã hội quá đề cao những nét tính cách chủ động, tự tin của người hướng ngoại thì người hướng nội thực sự sẽ có một chút thiệt thòi nhưng không có nghĩa đây là một kiểu tính cách xấu và cần thay đổi. Bởi trên thực tế, người hướng nội mang rất nhiều ưu điểm vượt trội.
Thông thường, người hướng nội tránh các tình huống giao tiếp xã hội, nhưng họ coi trọng những mối quan hệ thân thiết. Các nghiên cứu chỉ ra rằng người hướng nội có xu hướng cảm thấy hạnh phúc hơn với những mối quan hệ chất lượng cao của họ.
Tuy nhiên chính điều này cũng có thể là một con dao hai lưỡi, đôi khi trong những tình huống đau khổ như một mối quan hệ bị đổ vỡ, nếu người hướng nội không thể tìm kiếm được sự sẻ chia từ những người thân thiết nhất, họ sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái cô đơn, các cảm xúc tiêu cực sẽ bủa vây lấy họ, điều đó dễ dẫn đến hành vi tự_tử trong bệnh trầm cảm.
Xin mời các bạn theo dõi thêm bài viết: 9 cách đối phó với sự cô đơn cho người hướng nội.
Thứ hai, người hướng nội có thể trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc. Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 70% nhà lãnh đạo cấp cao là người hướng nội. Sự thành công của họ bắt nguồn từ việc họ có khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt sau khi đã quan sát và phân tích tình huống rất cẩn thận trước đó.
Thứ ba, nhiều người hướng nội có thế giới nội tâm rất phong phú và trí tưởng tượng, óc sáng tạo của họ cũng rất tuyệt vời. Albert Einstein và JK Rowling là những minh chứng cụ thể cho điều này.
Như vậy, hướng nội là một nét tính cách rất độc đáo và không hề xấu phải không? Sau khi đọc bài viết, nếu bạn thấy bản thân mình hoặc một người thân thiết nào đó là người hướng nội thì cũng không phải lo lắng. Hãy lưu ý rằng, có thể khuyến khích người hướng nội cởi mở và tương tác hơn nhưng đừng ép buộc họ. Điều đó có thể thúc đẩy người hướng nội rời bỏ môi trường xã hội và tìm kiếm sự cô độc, dẫn đến hiểu lầm về đặc điểm tính cách và hành vi của họ. Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập