Mục lục [Ẩn]
Trong một báo cáo điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam do Viện Xã hội thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam công bố ngày 18/11/2022, kết quả cho thấy 21,7% trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong đó, trầm cảm là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến. Trầm cảm ở tuổi vị thành niên nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là đến tính mạng.
21,7% trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Trầm cảm ở tuổi vị thành niên
Trong giai đoạn dậy thì, các bạn thanh thiếu niên sẽ có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ về thể chất và tâm sinh lý. Những thay đổi trong giai đoạn này có thể tạo điều kiện để các rối loạn tâm thần như trầm cảm phát triển.
Như trường hợp của em Đạt, một học sinh trường chuyên, vài tuần trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, em đã phải nhập viện điều trị trầm cảm với dấu hiệu muốn tự sát.
Khi đi khám, nam sinh thu mình, tuyệt đối im lặng trước mọi câu hỏi của nhân viên y tế. Bác sĩ tâm lý phải dùng nhiều kỹ thuật em mới chia sẻ về tình trạng của mình.
Theo lời của Đạt, cách đây ba năm, em thi đỗ vào trường chuyên danh tiếng ở tỉnh. Với ước mơ thi vào Đại học Y Hà Nội và trở thành bác sĩ, Đạt chăm chỉ học tập, đọc sách, học thêm, hoặc lên mạng xã hội khi rảnh, hầu như không ra ngoài chơi. Lịch học của Đạt dày đặc, em thường xuyên thức đến 2-3 giờ sáng ôn bài. Dù thiếu ngủ, nam sinh không thể chợp mắt, luôn lo nghĩ về kỳ thi sắp tới.
Một tháng gần đây, Đạt cảm thấy mệt mỏi, đau đầu ngày càng nhiều. Em thường xuyên có những cơn sợ hãi đột ngột, khởi đầu với tim đập nhanh, choáng, đau ngực, kéo dài vài phút. Ngoài ra, việc mất ngủ, không thể tập trung học khiến em buồn bã, có ý định tự sát vì nghĩ không thể thi đỗ.
Đạt được chẩn đoán bị rối loạn lo âu, trầm cảm do áp lực thi cử và được điều trị bằng liệu pháp tâm lý kèm thuốc.
Một trường hợp khác có những suy nghĩ tiêu cực, bồng bột ở lứa tuổi vị thành niên là một nữ sinh 13 tuổi. Nữ sinh này đã phải cấp cứu do uống thuốc giảm đau liều cao. Theo chia sẻ của em, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, em muốn dự định theo nghề thợ xăm. Tuy nhiên, dự định này của em bị bố mẹ kiên quyết phản đối, bố mẹ em cho rằng "phải học đại học mới có tương lai".
Cảm thấy bố mẹ không hiểu nguyện vọng nghiêm túc của mình, cộng với áp lực "phải trở thành ông nọ bà kia", nữ sinh này buồn chán, nhiều lần đóng cửa thu mình trong phòng, giày vò bản thân, có lần rạch tay. Đỉnh điểm nhất, lần này em nảy sinh ý định tự sát bằng thuốc giảm đau. Em may mắn được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên tổn thương tâm lý có thể còn ảnh hưởng lâu dài.
Một số dấu hiệu của trầm cảm bạn cần lưu ý.
Điều gì dẫn đến trầm cảm ở trẻ vị thành niên?
Hiện nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến trầm cảm chưa được xác định. Tuy nhiên, trầm cảm ở trẻ vị thành niên có thể xuất phát từ các yếu tố sau:
- Tâm lý chưa trưởng thành: Tâm lý của trẻ vị thành niên còn rất yếu, chưa đủ trưởng thành để đối mặt với nhiều áp lực. Do đó, nếu các em chịu những tác động từ bên ngoài thì dễ dẫn đến các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu.
- Áp lực “con ngoan trò giỏi”: Quan niệm "con ngoan, trò giỏi" từ phụ huynh, nhà trường đã vô tình tạo áp lực lớn cho con trẻ. Trẻ càng học giỏi thì áp lực thành tích của các em càng cao.
- Bạo lực học đường: Đây là vấn đề đã bị lên án rất nhiều nhưng lại không ngừng tiếp diễn. Bạo lực học đường để lại cho các em những tổn thương không thể xóa nhòa cả về thể chất lẫn tinh thần.
- Do ảnh hưởng của mạng xã hội: Hiện nay, việc trẻ tiếp xúc, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, mạng xã hội quá nhiều dần thay thế các hoạt động quan trọng giúp phát triển bộ não như ngủ và tập thể dục, gặp bạn bè. Trên mạng xã hội có thể chứa nhiều nội dung cực đoan như hành vi tự làm hại bản thân, rối loạn ăn uống, tự sát… khiến trẻ vị thành niên dễ bị ảnh hưởng.
Trẻ ở độ tuổi vị thành niên, tuổi dậy thì có thể thường xuyên cáu kỉnh, mệt mỏi, buồn bã, cảm xúc thay đổi thất thường. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài hơn hai tuần kèm dấu hiệu mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích, trốn tránh giao tiếp, rút lui xã hội..., đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm.
Trẻ cũng có thể bị thay đổi thói quen ăn uống, giấc ngủ hoặc có dấu hiệu thể chất như đau đầu, rối loạn kinh nguyệt hoặc đau bụng liên tục, kéo dài.
Làm sao để phòng chống trầm cảm ở trẻ vị thành niên?
Để phòng chống trầm cảm ở đối tượng trẻ vị thành niên, cha mẹ nên chú ý:
- Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để nói chuyện, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các con, quan tâm, chăm sóc và chia sẻ nhiều hơn. Đồng thời, cha mẹ không nên đặt nhiều kỳ vọng, mục tiêu quá lớn đối với trẻ.
- Lựa chọn những thực phẩm giàu acid amin, khoáng chất, vitamin. Bên cạnh đó, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, nước ngọt,...
- Mỗi ngày nên khuyến khích con vận động, tập thể dục khoảng 30 phút. Nếu có thể, cha mẹ nên cho con học yoga và thiền. Các bộ môn này sẽ giúp các em thư giãn và giảm bớt áp lực. Cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động ngoài trời.
- Chú ý đến giấc ngủ của trẻ, hãy để các em ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, nên nhắc trẻ ngủ sớm, không để các em thức khuya.
- Giảm bớt việc học tập nếu lịch học của trẻ đang quá dày đặc, để các em có thêm thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Cha mẹ nên trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản cho trẻ về những thay đổi trong độ tuổi vị thành niên. Cha mẹ nên động viên trẻ rằng, những sự thay đổi này là tự nhiên, không có gì phải xấu hổ, lo sợ, hay tự trách móc bản thân.
Cha mẹ nên chia sẻ, đồng hành cùng con.
Trầm cảm ở tuổi vị thành niên nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 0243.760. 6666. Cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian theo dõi!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập