Mục lục [Ẩn]
Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng lựa chọn ly hôn để giải thoát cho nhau, đây là giải pháp cuối cùng để chấm dứt quan hệ gia đình khi không còn hạnh phúc. Tuy nhiên, khi có con thì chuyện ly hôn không chỉ là sự kết thúc giữa hai vợ chồng mà còn có thể để lại trong lòng con trẻ những nỗi đau khó xóa nhòa.
Nhiều đứa trẻ chông chênh khi bố mẹ ly hôn.
Bố mẹ ly hôn để lại nhiều tổn thương cho trẻ
Khi ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn thì chắc hẳn cả vợ và chồng đều mong muốn một cuộc hôn nhân viên mãn, họ sẽ có trách nhiệm với gia đình, sẽ có những đứa con và có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy chúng. Tuy nhiên, không phải cuộc sống gia đình nào cũng hạnh phúc, không phải cuộc hôn nhân nào cũng viên mãn. Khi cả hai bên có những bất đồng, những khúc mắc hay mâu thuẫn không thể giảng hòa, nhiều người sẽ lựa chọn ly hôn để giải thoát cho cả hai.
Trên thực tế, theo thống kê thì mỗi năm nước ta có khoảng 2 triệu lượt kết hôn và tỷ lệ ly hôn là 600.000 cặp, tức là cứ 4 cặp kết hôn sẽ có 1 cặp ly hôn. Trong đó, tỷ lệ ly hôn cao nhất thuộc về giới trẻ, từ đủ 18 - 30 tuổi. Ly hôn đã trở thành một vấn đề thường gặp trong cuộc sống hiện đại, tuy nhiên, hậu quả của những cuộc hôn nhân tan vỡ để lại cho con cái vẫn khó có thể phai mờ.
Như trường hợp của Thanh Hương, 12 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm. Hương là một cô bé ngoan ngoãn, học giỏi nhưng em ít nói và chỉ thích ngồi một mình. Gần đây, khi thấy con không tập trung học và rất dễ khóc, mẹ Hương đã phải đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý.
Khi được hỏi chuyện, cô bé kể, cuối tuần được đón sang nhà bố, em thường xuyên phải nghe lời chì chiết của bà nội: "Làm gì thì làm, đừng khốn nạn như mẹ mày". Rồi bố liên tiếp hỏi dạo này mẹ có gặp gỡ ai không? Nếu sau này mẹ lấy chồng về sống với bố không?...
Được biết, vợ chồng chị Thanh (mẹ Hương) chia tay năm con gái mới 7 tuổi, sau chuỗi dài những trận cãi vã, chửi bới, thượng cẳng chân hạ cẳng tay.... Để có quyền nuôi con, mẹ của em đã dọa tử tự. Tuy nhiên, sau khi ly hôn thì chị không muốn cho chồng gặp con nên nên hai cha con mất liên lạc thời gian dài.
Nhớ con, bố của Hương luôn tìm mọi cách để gặp con. Vài lần, người đàn ông này gửi đơn kiện lên tòa, chị Thanh mới nới lỏng cho bố con gặp nhau. Kể từ đó cô bé thường xuyên nghe những lời chỉ trích mẹ từ bố và bà nội.
Không được nhận đủ tình yêu thương từ bố và mẹ, cộng thêm những lời chỉ trích này đã khiến Hương bị tổn thương rất nặng nề. Em ngày càng thu mình lại, không muốn nói chuyện hay giao tiếp với ai. Thậm chí, nhiều đêm nằm mơ Hương vẫn mơ thấy những lời chì chiết đó.
Con cái dễ trầm cảm khi bố mẹ ly hôn
Trầm cảm ở trẻ vị thành niên là chứng rối loạn tâm lý phổ biến, có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, khó hòa nhập với xã hội, rối loạn ăn uống, giấc ngủ, tự hạ thấp giá trị bản thân. Ở mức độ nghiêm trọng, trầm cảm khiến trẻ có xu hướng suy nghĩ về cái chết, tự tử.
Sự ly hôn của bố mẹ cũng là một trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu khiến trẻ có nguy cơ bị trầm cảm bởi sau ly hôn, bố mẹ có thể có bạn đời mới, nhưng con mãi chỉ có một người cha và một người mẹ. Đó chắc chắn là sự thiếu hụt lớn trong cuộc đời đứa trẻ sau này.
Khi gia đình tan vỡ, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý như thay đổi của cảm xúc, tâm trạng, sự gia tăng của các dấu hiệu trầm cảm, lo âu, sử dụng chất cấm, nguy cơ tự tử cũng như các vấn đề kết nối trong cuộc sống. Đơn cử, một tuổi thơ bất hạnh có thể thay đổi các yếu tố sinh học, khiến hệ thống điều hòa cortisol của cơ thể trục trặc, gây stress mãn tính.
Nhiều cha mẹ khi ly hôn lại có xu hướng nói xấu người kia với con. Đây là điều rất nên tránh. Việc thường xuyên phải hứng chịu sự thù hằn, ghét bỏ nhau của bố mẹ hoặc bị bạo hành về tinh thần cũng như thể xác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách, tâm lý và sự phát triển của trẻ. Nhiều khả năng trẻ sẽ xuất hiện các vấn đề về sức khoẻ và tâm lý như tự ti, rối loạn lo âu, thậm chí trầm cảm.
Cha mẹ không nên nói xấu người kia trước mặt con cái.
Ngoài ra, mối quan hệ của cha mẹ là hình mẫu đầu tiên của trẻ về tình yêu, lòng tốt và sự tôn trọng. Khi trẻ mất lòng tin về giá trị, chúng sẽ hành xử không tốt giống như cách cha mẹ đối xử với nhau. Điều này cũng khiến trẻ sợ yêu và sợ kết hôn. Nó cũng làm mất đi lòng tin của trẻ về sự tôn trọng, đặc biệt là với cha mẹ.
Một khía cạnh khác, sau ly hôn hoặc cha mẹ tái hôn, cảnh sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, tình trạng "con anh, con tôi", dẫn đến việc thiếu trách nhiệm trong giáo dục con cái như bỏ mặc, ngược đãi. Hành động này sẽ tác động sâu sắc lên nhận thức non nớt của trẻ, gây ra những bất hòa, tổn thương tâm lý.
Làm sao để hạn chế tổn thương ở trẻ khi bố mẹ phải ly hôn?
Để phòng ngừa các rối loạn tâm thần ở trẻ, chuyên gia khuyến cáo tốt nhất bố mẹ nên xây dựng một tuổi thơ hạnh phúc cho con, trong đó đứa trẻ được hỗ trợ để xây dựng năng lực cảm xúc và có gắn kết vững vàng với người chăm sóc. Nếu bắt buộc phải ly hôn, bố mẹ cần giúp con hiểu và có sự chuẩn bị, các con cần hiểu rằng mình không phải lý do làm cho bố mẹ ly hôn.
>>> Xem thêm: Chuẩn bị tâm lý cho con trẻ khi cha mẹ ly hôn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể làm một số việc để giảm thiểu tác động tới con cái như nhắc nhở trẻ: "Cha mẹ sẽ luôn yêu thương con, dù không còn ở bên nhau". Sau ly hôn, bố và mẹ nên bắt tay cộng tác để tạo điều kiện cho người còn lại có cơ hội gần gũi, yêu thương và chăm sóc con. Điều này phần nào sẽ tạo cho trẻ một môi trường phát triển an toàn, không bị thiếu hụt về tình cảm hay là sự sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
Hãy giúp con nhận được tình yêu thương của cha mẹ dù đã ly hôn.
Trong cuốn "How to tell the kids" (Nói với con về ly hôn) của tác giả Vikki Stark, xuất bản năm 2015 khẳng định: "Ly hôn không phải nguyên nhân chính khiến trẻ bị tổn thương nhiều nhất mà là xung đột giữa cha và mẹ trong thời gian dài". Chìa khóa của vấn đề là liệu cha mẹ có cung cấp cho con cái của họ đủ tình yêu và sự quan tâm sau khi ly hôn hay không.
Nếu gia đình vẫn có đủ cha mẹ nhưng hai người bỏ bê nhau, thờ ơ, đổ lỗi hay thậm chí là có bạo lực gia đình thì điều này có khả năng gây tổn thương đến trẻ nhiều hơn một gia đình đã ly hôn nhưng con cái vẫn nhận được đầy đủ tình yêu của cả hai bên.
>>> Xem thêm: Việc chứng kiến bạo lực gia đình ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?
Trong trường hợp con có dấu hiệu rối loạn lo âu, trầm cảm, phụ huynh cần lắng nghe và hiện diện cùng con, nhờ hỗ trợ chuyên nghiệp của chuyên gia - bác sĩ tâm lý và những người thân, bạn bè và nhà trường.
Để giảm bớt những tổn thương của con cái sau khi cha mẹ ly hôn, cha mẹ cần để con hiểu được rằng dù ly hôn nhưng con vẫn nhận được tình yêu đầy đủ của cả hai bên. Đồng thời, cha mẹ cần quan tâm, chú ý đến tâm trạng và biểu hiện của con để có những biện pháp xử lý kịp thời. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập