Mục lục [Ẩn]
Với những đứa trẻ thì những mối quan hệ với cha mẹ là vô cùng quan trọng. Sự gắn bó với cha mẹ là yếu tố tiên quyết để trẻ phát triển khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần. Vậy mà, khi cha mẹ nảy sinh mâu thuẫn thì hiện tượng parental alienation lại diễn ra và phá vỡ những mối quan hệ thân thiết đó. Trẻ bỗng dưng trở thành công cụ để người làm cha làm mẹ gây tổn thương người kia.
Hành vi biến con cái thành công cụ chiến đấu giữa cha mẹ.
Parental alienation là gì?
Parental alienation (sự xa lánh cha mẹ) mô tả hiện tượng một bên cha/mẹ có hành vi thao túng cảm xúc và chia cách mối quan hệ giữa con cái với phụ huynh còn lại (được gọi là phụ huynh mục tiêu).
Ví dụ: Sau cuộc cãi vã, người mẹ nói rằng người bố là kẻ tệ bạc, kém cỏi và không yêu thương con cái dù thực tế là không phải như vậy. Trong trường hợp này, người mẹ muốn biến đứa trẻ thành đồng minh, nhằm đẩy người cha vào thế bị cô lập trong gia đình.
Trẻ thường xuyên rơi vào tình trạng parental alienation có thể hình thành hội chứng parental alienation (hội chứng xa lánh cha mẹ). Trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần ấn bản thứ 5, hội chứng xa lánh cha mẹ không được công nhận là một rối loạn tâm thần riêng biệt mà sẽ nằm trong mục “Trẻ bị tổn thương bởi sự đau khổ trong mối quan hệ cha mẹ”.
Những dấu hiệu cho thấy Parental alienation đang diễn ra
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy sự xa lánh cha mẹ có thể đang diễn ra:
- Các hành vi bôi nhọ và công kích, khiến hình ảnh một bên cha/mẹ trở nên lệch lạc và tiêu cực trong mắt con cái.
- Cha mẹ không cho trẻ gặp gỡ, giao tiếp với người kia, nếu có thì sự giao tiếp cũng bị giám sát bởi họ. Dấu hiệu thường gặp ở những gia đình mà cha mẹ đã ly hôn với nhau.
- Người tiến hành xa lánh so sánh bản thân với người kia để khiến đứa trẻ tin rằng người cha/ mẹ không có đủ yêu thương hoặc không đủ khả năng chăm sóc chúng.
- Cha/ mẹ tiến hành xa lánh sẽ chỉ trích đứa trẻ nếu nó dành cho người kia những nhận xét tích cực
- Đứa trẻ được yêu cầu đóng vai “gián điệp”: Cha hoặc mẹ sẽ yêu cầu trẻ làm “gián điệp” khi trẻ ở bên người kia. Ví dụ: Trẻ phải kể cho họ biết rằng người kia đã làm gì, nghe những cuộc điện thoại nào,....
- Mối quan hệ giữa đứa trẻ và người chăm sóc kia trở lên căng thẳng hơn: Một đứa trẻ có thể ngày càng tỏ ra sợ hãi đối với cha mẹ bị xa lánh, vì chúng phải nghe những lời dối trá về ý định hoặc hoạt động của cha mẹ bị xa lánh.
Parental alienation nguy hiểm đến mức nào?
Parental alienation là một hình thức bạo hành tinh thần trẻ nhỏ, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Việc bị ép phải tin rằng cha/ mẹ mình là người xấu rất dễ khiến trẻ cảm thấy bối rối và hoảng loạn. Những mâu thuẫn cảm xúc này cứ kéo dài sẽ khiến trẻ gặp phải các rối loạn tâm lý nghiêm trọng.
Ngoài ra, một số người cố gắng khiến trẻ tin rằng người cha/ mẹ kia không thực sự yêu nó sẽ khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương, cô độc. Trẻ sẽ tự hỏi rằng tại sao người cha, người mẹ kia không yêu thương mình, dần dần tự ti, lòng tự trọng thấp và ảnh hưởng đến các mối quan hệ sau này.
Hành vi parental alienation có thể khiến trẻ bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng.
Một nghiên cứu đăng trên Thư viện Y học quốc gia Hoa Kỳ (NLM) cho thấy, hành vi parental alienation khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) cùng nhiều rối loạn khác.
Nếu không được can thiệp kịp thời, các rối loạn tâm lý có thể vẫn tiếp diễn ngay cả khi đứa trẻ đã đoàn tụ với cha mẹ.
Cần làm gì để không rơi vào Parental alienation?
Khi tiếp cận với hành vi Parental alienation, chúng ta cần tránh tư duy đổ lỗi. Chủ đề này cần được tiếp cận bằng sự cảm thông và thấu hiểu, nhằm bảo vệ gia đình khỏi cạm bẫy của hiện tượng tiêu cực này.
Ngăn chặn parental alienation đòi hỏi cách tiếp cận chủ động và toàn diện. Dưới đây là một số chiến lược phổ biến để ngăn các gia đình không rơi vào khuôn mẫu độc hại của hành động bạo hành cảm xúc.
Tách biệt mâu thuẫn cá nhân với nuôi dạy con cái
Các bậc phụ huynh cần nhớ rằng, mâu thuẫn giữa họ không nên để ảnh hưởng đến con cái. Mối quan hệ cha mẹ - con cái là vô cùng quan trọng với sự phát triển của trẻ, cần được ưu tiên khi gia đình xảy ra vấn đề.
Việc lôi đứa trẻ vào “cuộc chiến” chỉ thỏa mãn những cảm xúc nhất thời của một bên, nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề cho cả gia đình.
Khi có mâu thuẫn, cha mẹ hãy hãy chủ động giải quyết trong không gian riêng của hai người. Nếu muốn chia sẻ với con cái, hãy chủ động nói với con rằng dù có chút mâu thuẫn, nhưng điều này không ảnh hưởng đến tình cảm mà cha mẹ dành cho chúng và mình đang nỗ lực để giải quyết các mâu thuẫn này. Điều quan trọng là khiến trẻ cảm thấy an toàn và ổn định.
Thúc đẩy việc hợp tác giữa cha mẹ
Parental alienation thường xảy ra khi hai bên phụ huynh nảy sinh mâu thuẫn. Do đó, để ngăn ngừa hành vi này, các bậc phụ huynh nên bày tỏ cảm xúc, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Kể cả trong trường hợp xảy ra bất đồng, thậm chí ly hôn, phụ huynh vẫn phải thừa nhận và tôn trọng mối quan hệ của đứa trẻ với người còn lại. Cả hai bên phụ huynh cần duy trì mối quan hệ bền chặt và lành mạnh với con.
Giáo dục và nâng cao nhận thức cho con
Các bậc phụ huynh cần tự nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của hành vi bạo hành cảm xúc. Các nguồn tri thức uy tín có thể đến từ các khóa học, thư viện số, hay sự tư vấn của các chuyên gia.
Giáo dục bản thân cần phải đi kèm với giáo dục con cái. Cha mẹ nên ưu tiên các hình thức giáo dục sớm với con, nhằm giúp trẻ nhận diện được các hành vi thao túng, ngược đãi cảm xúc, từ đó có thể tự thực hiện các biện pháp phòng tránh.
Trao đổi thông tin thường xuyên và dành thời gian lắng nghe con là điều bắt buộc để thấu hiểu tình trạng, cũng như can thiệp trong trường hợp cần thiết.
Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia
Hãy nhớ rằng, những phương pháp phía trên chỉ là gợi ý chung, chứ không thể áp dụng cho mọi tình huống. Nếu phụ huynh đang xảy ra mâu thuẫn, hoặc cảm thấy người còn lại đang có dấu hiệu thao túng con, hãy cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia.
Tìm đến sự giúp đỡ chuyên gia khi cần thiết.
Các chuyên gia tâm lý là những người có đủ chuyên môn để đưa ra các phương án giải quyết dựa trên trường hợp cụ thể của gia đình. Họ có thể hỗ trợ hòa giải mâu thuẫn, cũng như tư vấn cách thực hành và can thiệp cần thiết để giải quyết các bất ổn tâm lý cho trẻ.
Trẻ con cần được nhận tình yêu thương đầy đủ của cha mẹ. Việc bị ép phải xa cách với người mình yêu thương đặt trẻ ở trạng thái cô đơn và bất an. Trẻ mất niềm tin vào kết nối xã hội và gặp khó khăn khi hình thành mối quan hệ. Những mâu thuẫn của người lớn không nên để làm ảnh hưởng đến các con. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập