Mục lục [Ẩn]
Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) là một loại trị liệu tâm lý giúp người bệnh xác định và thay đổi các kiểu suy nghĩ và hành vi sai lệch. Nó được sử dụng để điều trị nhiều chứng rối loạn tâm thần khác nhau. Tiêu biểu trong đó là trầm cảm, rối loạn lo âu…
Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) là gì?
Liệu pháp nhận thức - hành vi, được viết tắt là CBT - Cognitive Behavioral Therapy, là một hình thức trị liệu tâm lý nhằm mục đích xác định và thay đổi những niềm tin, suy nghĩ, thái độ và hành vi không đúng đắn liên quan đến rối loạn chức năng cảm xúc.
CBT giúp chúng ta phát triển các chiến lược đối phó lành mạnh, bên cạnh việc cải thiện khả năng điều tiết cảm xúc, khả năng phục hồi tâm lý và sức khỏe tâm thần. Ban đầu, CBT được hình thành để điều trị chứng trầm cảm. Ngày nay, CBT đã được áp dụng trong điều trị rất nhiều tình trạng rối loạn tâm lý khác.
Như tên gọi của nó, CBT bao gồm hai phần: nhận thức và hành vi. Phương pháp tiếp cận nhận thức giúp bệnh nhân thay thế những suy nghĩ, kỳ vọng, thái độ sai lệch bằng những điều thực tế và đúng đắn hơn. Còn phương pháp tiếp cận hành vi giúp hình thành những hành vi có lợi, quên đi những hành vi độc hại.
Cơ sở của biện pháp này dựa trên mối liên hệ chặt chẽ giữa hai mặt “nhận thức”, “hành vi”. Hiểu đơn giản thì khi chúng ta gặp một tình huống nào đó, bộ não bắt đầu hoạt động và kích thích những suy nghĩ. Suy nghĩ này sẽ quyết định cảm xúc của bạn và thực hiện một hành động phản ứng ra bên ngoài.
Như vậy, nhận thức, cảm xúc và hành vi là những yếu tố có liên quan mật thiết với nhau. Bằng việc điều chỉnh nhận thức, kết hợp với thay đổi hành vi, CBT sẽ tiếp cận một cách toàn diện với người mắc chứng rối loạn tâm thần.
Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT)
Lịch sử hình thành của CBT
Liệu pháp nhận thức bắt nguồn từ triết học Hy Lạp cổ đại. Tới đầu thế kỷ 20, liệu pháp hành vi bắt đầu phát triển nổi bật với công trình của các nhà tâm lý học như:
- John B.Watson
- Lý thuyết điều hòa của BF Skinner
- Phương pháp giải mẫn cảm cơ thể có hệ thống của Jose Wolpe
- Thực hành trị liệu hành vi cảm xúc hợp lý (REBT) của Albert Ellis
- Các buổi trị liệu miễn phí của Aaron T.Beck
Với phong trào “cách mạng nhận thức” vào năm 1950, các phương pháp tiếp cận của Albert Ellis và Aaron T.Beck đã trở nên phổ biến. Tới những năm 1980 và 1990, các kỹ thuật nhận thức và hành vi đã được hợp nhất thành liệu pháp nhận thức hành vi (CBT).
Các loại liệu pháp nhận thức - hành vi
CBT bao gồm một loạt các kỹ thuật và cách tiếp cận nhằm giải quyết những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta. Chúng có thể bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức (CT). Hình thức trị liệu này tập trung vào việc thay đổi các kiểu suy nghĩ, phản ứng cảm xúc không chính xác hoặc bị bóp méo.
- Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) giải quyết những suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Nó cũng giúp bệnh nhân phát triển các chiến lược tích cực để điều chỉnh cảm xúc như chánh niệm.
- Liệu pháp đa phương thức. Loại hình này gợi ý rằng các vấn đề tâm lý phải được điều trị bằng cách kết hợp nhiều phương thức khác nhau, bao gồm: hành vi, nhận thức, giải quyết mối quan hệ giữa các cá nhân, thuốc…
- Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT) tập trung chủ yếu vào việc giúp bệnh nhân nhận ra những niềm tin phi lý và không chính đáng. REBT chủ động thách thức những niềm tin đó và thay thế những kiểu suy nghĩ tiêu cực này bằng những suy nghĩ tích cực hơn.
Mặc dù mỗi loại trị liệu nhận thức hành vi có một cách tiếp cận khác nhau, nhưng tất cả đều có tác dụng giải quyết các kiểu suy nghĩ tiềm ẩn góp phần gây ra đau khổ tâm lý.
Một buổi thực hành CBT diễn ra như thế nào?
Nếu CBT được khuyến nghị cho bạn, thông thường bạn sẽ có buổi gặp chuyên gia tâm lý mỗi tuần một lần. Liệu trình điều trị sẽ kéo dài từ 6 đến 20 buổi, mỗi buổi từ 30 đến 60 phút.
Bạn nên bắt đầu CBT với sự giúp đỡ từ một chuyên gia tâm lý
Trong các buổi trị liệu, bạn sẽ làm việc với chuyên gia tâm lý để chia nhỏ các vấn đề của mình thành các phần riêng biệt, chẳng hạn như suy nghĩ, cảm xúc và hành vi.
Bạn và nhà trị liệu sẽ cùng phân tích những vấn đề bạn đang gặp phải xem trong số chúng, những vấn đề nào là sai lệch và không hữu ích, đồng thời xác định tác động của chúng với nhau và đối với bạn. Quá trình này được gọi là xác định những suy nghĩ tiêu cực.
Bước tiếp theo bạn được thực hiện đó là thực hành kỹ năng mới. Nhà trị liệu của bạn sẽ giúp bạn tìm ra cách thay đổi những suy nghĩ và hành vi không có ích. Họ cung cấp cho bạn những kỹ năng để bạn đối phó trong thực tế.
Ví dụ, bạn đang không ngừng suy nghĩ bản thân là vô dụng, kém cỏi, bạn sẽ được dạy cách để xây đắp lòng tự trọng. Nếu bạn đang liên tục bị những cảm xúc tiêu cực kìm nén, bạn sẽ được dạy cách để giải phóng những cảm xúc tiêu cực.
Sau đó, nhà trị liệu sẽ yêu cầu bạn thực hành những thay đổi này trong cuộc sống hàng ngày. Đây sẽ là giai đoạn tự giám sát bởi bạn phải dần học cách giải quyết vấn đề khi không có sự kết nối liên tục với chuyên gia tâm lý. Đồng thời, bạn cần phải ghi chép về quá trình trị liệu của mình, ví dụ như viết nhật ký. Điều này sẽ cung cấp những thông tin quan trọng cho nhà trị liệu đánh giá tiến độ của quá trình điều trị.
Bạn cần chuẩn bị những gì cho CBT?
Lần đầu tiếp cận với CBT có thể sẽ là một trải nghiệm rất khó khăn. Mặc dù bạn có thể tự mình tiếp cận với CBT nhưng với một hành trình khó khăn như vậy, lời khuyên mà chúng tôi dành cho bạn đó là hãy tìm tới một chuyên gia tâm lý để được hướng dẫn cụ thể.
Bạn nên xem xét các bước sau để chuẩn bị cho liệu pháp nhận thức - hành vi:
- Thừa nhận rằng bạn đang gặp vấn đề với những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực và hành vi của mình.
- Tìm kiếm thông tin của một chuyên gia tư vấn tâm lý uy tín.
- Suy nghĩ và lên danh sách trước về những vấn đề bạn đang gặp phải.
- Trả lời trung thực các câu hỏi mà nhà trị liệu đưa ra cho mình.
- Truyền đạt các mục tiêu điều trị và mục tiêu trong cuộc sống chung của bạn cho nhà trị liệu.
- Hãy thoải mái làm rõ những nghi ngờ về sức khỏe tâm thần của bạn hoặc về các buổi trị liệu.
Ứng dụng của CBT
Việc sử dụng liệu pháp nhận thức - hành vi CBT ngày nay đã được áp dụng rộng rãi trong điều trị:
- Rối loạn trầm cảm nặng
- Rối loạn lo âu
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Rối loạn giấc ngủ
- Rối loạn căng thẳng (như rối loạn căng thẳng sau chấn thương)
- Rối loạn sử dụng chất gây nghiện
- Tự kỷ và các rối loạn phát triển thần kinh khác
Một số thách thức trong CBT
Mặc dù được áp dụng rất rộng rãi nhưng liệu pháp nhận thức - hành vi vẫn gặp phải một số thách thức nhất định:
- Người bệnh có thể tự thực hành CBT nhưng hiệu quả sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiếp cận các nguồn thông tin trên internet.
- Nhà trị liệu có thể giúp đỡ và tư vấn cho bạn. Nhưng họ cần sự hợp tác chặt chẽ của bạn để CBT đạt hiệu quả.
- Quá trình phục hồi sẽ tốn khá nhiều thời gian. Vấn đề của bạn càng phức tạp, đòi hỏi bạn càng phải kiên trì.
- Khi thực hành CBT, bạn sẽ phải đối diện trực tiếp với những trải nghiệm và cảm xúc đau khổ của bạn. Điều này sẽ khá khó khăn trong giai đoạn đầu. Quan trọng là bạn không được bỏ cuộc.
Xin mời các bạn theo dõi: Làm thế nào để chia sẻ với bạn bè, người thân về chứng trầm cảm của bạn?
Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) là một trong những hình thức trị liệu tâm lý hiệu quả và được nghiên cứu nhiều nhất. Bằng cách thay đổi niềm tin và nhận thức sai lệch bằng những quan điểm tích cực hơn, chúng ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, trọn vẹn hơn. Cám ơn các bạn đã đón xem!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập