Mục lục [Ẩn]
Đối với người Việt, Tết là một dịp thiêng liêng để chúng ta cùng nghỉ ngơi, nhìn lại một năm đã qua và cùng sum họp, đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều người lại cảm thấy mệt mỏi và không hứng thú với ngày Tết như trước. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tâm lý trên một phần là do áp lực kinh tế, vật chất trong ngày Tết.
Nhiều người phải đứng trước áp lực chi tiêu Tết.
Những nguyên nhân nào dẫn đến áp lực kinh tế ngày Tết
Quá nhiều thứ phải chi tiêu ngày Tết
Những ngày cuối năm đang đến gần, hầu hết mọi cá nhân, gia đình đều phải tiêu tốn khá nhiều tiền bạc cho việc mua sắm cho những ngày lễ Tết. Tuy nhiên, giá cả biến động trong thời gian này cũng là điều đáng lo ngại. Dù chưa phải giai đoạn cao điểm cho mùa mua sắm Tết nhưng giá cả nhiều loại hàng hóa, thực phẩm, quà Tết đã bắt đầu tăng. Các nhà hàng, dịch vụ ăn uống và địa điểm tổ chức tiệc cũng thường xuyên thu thêm phí phục vụ hay phụ thu lễ-tết vào thời điểm này.
Bên cạnh những khoản chi tiêu lớn trong dịp lễ-tết, nhiều gia đình còn phải chịu áp lực của những khoản nợ đáo hạn và chuẩn bị cho những mục tiêu tài chính trong năm mới.
Kinh tế suy thoái
Giữa tình hình kinh tế chung ảm đạm, áp lực tài chính ngày càng tăng cao với các gia đình khi mùa Lễ-Tết đang cận kề. Năm nay kinh tế chung khó khăn, nhiều công ty không có đơn hàng dẫn đến tình hình lương và thưởng Tết có phần ảm đạm hơn những năm trước. Không chỉ vậy, nhiều người còn đứng trước nguy cơ thất nghiệp, không có việc làm ngay trước Tết.
Áp lực lì xì
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà vật chất đôi khi được đề cao hơn so với những yếu tố khác. Nhiều người đề cao giá trị đồng tiền một cách thái quá, từ đó lấy đồng tiền làm thước đo cho các giá trị khác. Ngày trước, người lớn lì xì cho trẻ con với ý nghĩa mừng cháu bé sang tuổi mới nhiều may mắn, hay ăn chóng lớn. Lì xì là sự chia sẻ những may mắn đầu năm với nhau.
Tuy nhiên, ngày nay, cách tặng - nhận tiền mừng tuổi của không ít người đánh mất ý nghĩa nguyên bản của truyền thống này. Nhiều người Việt đánh giá tình hình tài chính, địa vị xã hội của người khác qua số tiền người đó mừng tuổi. Với những người có điều kiện tài chính, mừng tuổi nhiều không sao, nhưng với người thu nhập thấp, mừng ít sẽ thấy khó coi, thiếu tự tin mà mừng nhiều trở thành gánh nặng cuộc sống sau dịp lễ tết, thậm chí mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn vợ chồng.
Mừng tuổi ngày nay thường được không ít người dân nhìn nhận và ứng xử theo nguyên tắc "giá trị ngang bằng", nghĩa là có đi có lại. Người này mừng tuổi con mình bao nhiêu, mình sẽ mừng lại bấy nhiêu. Nếu là người độc thân hoặc chưa có con, chỉ có "cho đi" không "thu về", thì mừng tuổi trở thành khoản tốn kém, khiến họ áp lực tài chính, nhất là đối với những trường hợp không dư giả về tài chính.
Trong khảo sát của VnExpress với 1.000 độc giả, 11% cho biết chi trên 30% lương trung bình hàng tháng cho việc mừng tuổi, nhóm chi 10-30% chiếm 19% và nhóm chi dưới 10% lương trung bình hàng tháng là 70%.
Tuy nhiên, khảo sát khác cũng với 1.000 độc giả cho thấy, 74% coi mừng tuổi là áp lực tài chính, vì Tết có quá nhiều khoản phải chi; chỉ 26% hào hứng và vui vẻ với truyền thống này.
74% người coi mừng tuổi là áp lực tài chính.
Cách giảm bớt áp lực kinh tế ngày Tết
Lập quỹ dự phòng từ đầu năm để đủ tiền tiêu tết
Nếu không có kế hoạch mua sắm và chi tiêu khoa học, bạn có thể sẽ rơi vào tình trạng “cháy túi” dịp Tết. Việc tìm ra cách để quản lý ngân sách hiệu quả đã trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều người vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Để tránh việc áp lực Tết quá lớn, bạn nên lập quỹ dự phòng từ đầu năm. Ngoài khoản tiết kiệm cố định hàng tháng, bạn có thể trích thêm 1 khoản nhỏ từ đầu năm để bỏ vào quỹ dự phòng. Như vậy, bạn sẽ không cần phải quá lo lắng về lương - thưởng dịp cận Tết.
Đơn giản hóa và chỉ mua những thứ "thật sự cần"
Nhiều người thường có tâm lý cả năm mới có một cái Tết , vì vậy cần làm thật hoành tráng. Điều này khiến bạn dễ dàng mạnh tay chi tiền cho bất cứ thứ gì mà bản thân thấy thích, hứng thú. Để tránh tình trạng chi tiêu quá đà, bạn cần cân nhắc đâu là thứ mình thực sự cần và thứ có thể mua sau. Ngoài việc cân nhắc mua những món đồ, hãy đơn giản hóa mọi thứ, từ việc mua sắm đồ đạc, ăn mặc... để tiết kiệm và giảm áp lực chi tiêu.
Lập kế hoạch chi tiêu cụ thể
Để quản lý việc chi tiêu ngày Tết hiệu quả, tránh tình trạng "vung tay quá trán", bạn cần có một kế hoạch chi tiêu cụ thể. Việc lập kế hoạch chi tiêu Tết một cách chi tiết, khoa học sẽ giúp bạn luôn đảm bảo tình hình tài chính được duy trì ở mức ổn định, ngăn bạn tiêu tiền quá tay, hạn chế tối đa hao hụt ngân sách.
Bạn cần có một kế hoạch chi tiêu cụ thể.
Những chi phí bắt buộc như tiền điện, nước, xăng xe, điện thoại, tiền ăn hàng ngày... là chi phí bạn cần bởi bạn không thể trì hoãn việc chi tiêu cho những khoản trên. Tiếp theo, trong tháng Tết, hãy cân nhắc đâu là khoản chi bạn muốn, đâu là khoản chi bạn cần, từ đó áp vào ngân sách có sẵn từ trước. Có thể, trong tháng Tết, bạn được phép tiêu vượt kế hoạch, khoản vượt kế hoạch đó nên nằm trong phần tiết kiệm ngắn hạn (khoản tiết kiệm gồm 3 đến 6 tháng lương). Ngay sau khi tiêu "lậm" vào phần này, đừng quên bổ sung ngay sau đó.
Tận dụng các chương trình giảm giá
Ngày Tết, rất nhiều các siêu thị, cửa hàng đều có các chương trình khuyến mãi lớn. Nếu bạn đã có một danh sách những gì cần mua trong dịp tết, hãy theo dõi và tận dụng các chương trình giảm giá tại các siêu thị lớn, các cửa hàng đảm bảo chất lượng hoặc trên các nền tảng trực tuyến, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền kha khá đấy!
Trên đây là một số nguyên nhân dẫn đến áp lực kinh tế ngày Tết và cách khắc phục. Để giảm bớt các áp lực kinh tế, chi tiêu dịp Tết, bạn cần có một kế hoạch chi tiêu cụ thể, rõ ràng và áp dụng đúng kế hoạch. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập