Mục lục [Ẩn]
Bị chẩn đoán ung thư là một cú sốc với bất kỳ ai, thuộc bất kỳ lứa tuổi nào. Nếu như trước đây ung thư chủ yếu xuất hiện ở người lớn tuổi thì hiện nay, tỷ lệ ung thư ngày càng trẻ hóa. Đã có ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ung thư gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và cuộc sống của những người trẻ tuổi một cách đáng kể và dai dẳng trong suốt cuộc đời của họ.
Người trẻ tuổi mắc ung thư phải chịu những tác động tâm lý thế nào?
Bị chẩn đoán ung thư từ khi còn trẻ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe tinh thần?
Hiện nay, bệnh nhân ung thư đang có xu hướng tăng nhanh và trẻ hóa. Theo GLOBOCAN 2022, có khoảng 20 triệu ca ung thư được chẩn đoán trên toàn thế giới, tăng so với 18 triệu ca vào năm 2020. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) dự đoán, tỉ lệ ung thư sẽ tăng 142% ở các quốc gia kém phát triển và tăng 99% ở các quốc gia có mức phát triển trung bình.
Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ước tính tăng gấp 3 lần sau 30 năm, điều đáng quan ngại hiện nay bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa. Tại một nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế về các ung thư vùng đầu, cổ được chẩn đoán ở giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi là 11,2%, tăng gần gấp đôi so với số liệu 10 năm trước đó.
Ung thư ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) lưu ý rằng ung thư gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và cuộc sống của những người trẻ tuổi một cách đáng kể và dai dẳng hơn trong suốt cuộc đời của họ, ngay cả khi đã điều trị thành công sau ung thư.
Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người sống sót sau khi được chẩn đoán ung thư ở độ tuổi từ 15 - 39 có nhiều đau khổ về mặt cảm xúc hơn những người được chẩn đoán mắc bệnh ở độ tuổi từ 40 trở lên.
Lourdes Monje, một cô gái trẻ sống tại Philadelphia (Mỹ), bị chẩn đoán ung thư ở tuổi 25 vào 4 năm trước. Cô mắc ung thư vú ER+/Her2- (thụ thể estrogen dương tính, protein Her2 âm tính), một trong những loại phổ biến nhất, đã có liệu pháp điều trị hiệu quả. Thuốc mới nhắm trúng đích, tiêu diệt tế bào ung thư mà không làm ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh. Bác sĩ còn khuyên cô không cần bận tâm về tình trạng này. Tuy nhiên, quá trình điều trị ung thư cũng khiến Monje rơi vào tình trạng hỗn loạn, về cả thể chất, tinh thần và sự nghiệp.
Cô cho biết: "Cuộc sống đối với tôi từng là vô hạn, giờ thì khác. Từ khi bị bệnh, tôi dành nhiều thời gian để tiếc nuối rằng mình không còn nghĩ về cuộc sống một cách vô tư nữa. Tôi nghĩ, đây là một trong những cảm xúc khó chấp nhận nhất".
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Mạng lưới Ung thư Toàn diện Quốc gia Hoa Kỳ, ung thư đang trở nên phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi và những người sống sót sau ung thư có nhiều khả năng phải vật lộn với tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm và ý nghĩ tự tử.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, số ca tử vong do tự tử ở những nam giới sống sót sau ung thư ở lứa tuổi từ 15 - 39 đã tăng gấp 3 lần sau 21 năm. Nếu như vào năm 2000, số ca tử vong do tự tử ở nhóm bệnh nhân này là 4,9 ca thì ở năm 2021, tỷ lệ này đã tăng vọt lên 15,4/ 1000 bệnh nhân. Tỷ lệ này cao hơn gấp nhiều lần so với những bệnh nhân khác.
Tại sao bệnh ung thư lại tác động lên bệnh nhân trẻ nhiều hơn những bệnh nhân lớn tuổi?
Theo các chuyên gia, một số nguyên nhân có thể kể đến là:
Tuổi đời còn trẻ, nhiều ước mơ còn dang dở
Những người trẻ mắc ung thư đôi khi là sinh viên đại học, người vừa tốt nghiệp, mới bắt đầu đi làm hoặc xây dựng gia đình. Họ vừa tốt nghiệp với những ước mơ còn dang dở, nỗ lực xây dựng sự nghiệp, bắt đầu các mối quan hệ lãng mạn, kết hôn, nghĩ đến việc sinh con và một cuộc sống hạnh phúc sau này. Nói tóm lại, họ còn cần nhiều trải nghiệm, nhu cầu “sống” của họ lớn và phức tạp hơn. Vì vậy, việc bị chẩn đoán ung thư có tác động rất lớn và khiến họ khó chấp nhận hơn những người đã cao tuổi.
Vấn đề tài chính
Làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ khi được chẩn đoán ung thư là gánh nặng tài chính. Bị chẩn đoán ung thư khi còn trẻ đồng nghĩa với họ chưa có nhiều thời gian tích lũy tiền tiết kiệm. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Sống sót sau ung thư đã chỉ ra rằng, 23% thanh thiếu niên và người trẻ tuổi sống sót sau ung thư cho biết họ không có tiền cho những nhu cầu cơ bản. Ngay cả nhiều năm sau khi điều trị, những người trẻ tuổi sống sót sau ung thư vẫn chưa “bắt kịp” những người cùng trang lứa về mặt tài chính.
Vấn đề tài chính gây ra nhiều khó khăn với bệnh nhân ung thư trẻ.
Sự tự ti và cô lập
“Bản án” ung thư kéo dài sẽ rất dễ gây ra cảm giác tự ti và cô lập về mặt xã hội. Họ không dám kết bạn hay yêu đương, không dám mơ về tương lai như những người khác.
Những người bị ung thư khi đã lớn tuổi đang nghỉ hưu, con cái đã trưởng thành, an toàn hơn về tài chính. Ở độ tuổi già, họ có những người bạn đồng trang lứa mắc bệnh, làm vơi bớt cảm giác đơn độc. Cộng đồng này khiến người già có nghị lực hơn trong cuộc chiến. Còn ở người trẻ, sự hỗ trợ này thường khá hiếm hoi.
Như Monje, dù đã khỏi ung thư 4 năm nhưng hiện cô vẫn đang cô độc, không biết khi nào mình có thể hẹn hò hay đi làm trở lại. Chỉ gần đây, khi đã hồi phục về tâm lý, cô mới sẵn sàng cho một mối quan hệ.
Monje cho biết "Trong một thời gian dài, tôi cảm thấy mình không xứng đáng với điều đó. Tôi sợ rằng mình trở thành gánh nặng cho người khác".
Điều trị các vấn đề tâm lý ở bệnh nhân ung thư trẻ tuổi
Vốn dĩ, người bệnh ung thư đã phải uống thuốc, truyền hóa chất rất nhiều, cơ thể suy nhược nghiêm trọng. Vì vậy, cách điều trị rối loạn lo âu cho họ luôn ưu tiên biện pháp không dùng thuốc như trị liệu tâm lý.
Theo Hiệp hồi Tâm thần Hoa Kỳ, các biện pháp tâm lý thường được sử dụng trong trường hợp này là:
Liệu pháp hành vi nhận thức CBT
Liệu pháp hành vi nhận thức tập trung vào những điều mà người trẻ tuổi đang quan tâm, chẳng hạn như các vấn đề về sự độc lập và kế hoạch cuộc sống. Liệu pháp này giúp bệnh nhân phát triển các chiến lược ứng phó lành mạnh và kiểm soát những suy nghĩ sai lệch dẫn đến những cảm xúc tiêu cực.
Liệu pháp chấp nhận và cam kết
Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ung thư trẻ tuổi thường sợ tái phát hơn bệnh nhân trên 40 tuổi. Điều này có thể do bệnh nhân trẻ tuổi có nhiều thời gian hơn để ung thư tái phát và nhiều cột mốc cuộc sống quan trọng trong tương lai hơn.
Đối với lo lắng này, liệu pháp chấp nhận và cam kết sẽ giúp mọi người chấp nhận thực tế (ví dụ như nguy cơ tái phát là có). Tuy nhiên, họ vẫn có thể sống trân trọng hiện tại và phát huy những giá trị của mình.
Bệnh nhân ung thư nên được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý.
Liệu pháp tập trung vào ý nghĩa
Liệu pháp tâm lý tập trung vào ý nghĩa được phát triển bởi bác sĩ tâm thần William Breitbart tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering. Liệu pháp này nhằm mục đích nâng cao ý nghĩa và mục đích sống của bệnh nhân. Nó đã được chứng minh là có hiệu quả làm giảm đau khổ về mặt tâm lý và tinh thần ở bệnh nhân ung thư.
Những người trẻ tuổi mắc ung thư phải đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe cảm xúc khác biệt với những bệnh nhân ung thư lớn tuổi. Gia đình, bạn bè nên quan tâm, chăm sóc sức khỏe tâm thần của họ, để họ không cảm thấy cô đơn và tiếp tục vững bước trên hành trình chiến thắng bệnh tật. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập