Mục lục [Ẩn]
Các mối quan hệ lãng mạn đôi khi rất phức tạp. Nó có thể là nguồn hạnh phúc, thỏa mãn, hài lòng, thậm chí là nguồn động lực rất lớn. Nhưng nếu đó là một mối quan hệ độc hại thì nó lại dễ dàng khiến chúng ta cảm thấy thất vọng, kiệt sức và tan vỡ.
Mối quan hệ độc hại làm tổn thương chúng ta như thế nào ?
Khi yêu một ai đó, chúng ta thường chấp nhận một số hành vi nhất định từ đối phương dù chúng đang gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần và lòng tự trọng của mình. Một số người thường không nhận thấy những tổn thương và tiếp tục ở lại mối quan hệ độc hại này.
Cũng có trường hợp chúng ta thừa biết đó là những hành vi độc hại nhưng vì có quá nhiều sự ràng buộc giữa hai người, chẳng hạn như con cái, sự lệ thuộc về tài chính…mà chúng ta chẳng thể đủ dũng khí để chấm dứt mối quan hệ độc hại này.
Mọi mối quan hệ đều có những lúc thăng trầm, nhưng khi mối quan hệ của bạn đã quá thiếu vắng tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự tôn trọng, đó là lúc bạn muốn đưa ra quyết định sáng suốt hơn và bắt đầu bảo vệ cho hạnh phúc của mình. Dưới đây là 8 hành vi độc hại phá vỡ mối quan hệ mà bạn không bao giờ nên chấp nhận dung thứ.
Lạm dụng
Điều này rất phổ biến trong hôn nhân. Thật không may, phần lớn trong số đó là phụ nữ. Họ thường xuyên bị bạn trai hoặc bạn đời lạm dụng tình cảm, lời nói, thể chất hay tình dục. Chúng đều là dấu hiệu của một mối quan hệ không lành mạnh.
Lạm dụng tình cảm và lời nói có thể phá hủy hoàn toàn lòng tự trọng của bạn. Bạn càng chịu đựng sự lạm dụng tình cảm, bạn sẽ càng mất tự tin và phụ thuộc vào người bạn đời bạo hành của mình. Và đây chắc chắn là điều mà bạn không mong muốn phải không?
Nếu đối tác của bạn trở thành một kẻ bạo lực về thể xác, làm tổn thương bạn theo bất kỳ cách nào hoặc bóc lột bạn về mặt tình dục, thì đó là dấu hiệu rõ ràng để bạn rời bỏ mối quan hệ độc hại này.
Để có thể duy trì một mối quan hệ hạnh phúc, chắc chắn đòi hỏi cả hai người phải luôn phấn đấu và thay đổi bản thân. Nhưng khi bạn luôn là người phải gánh chịu hậu quả, thì bạn nên rời đi sớm.
Lạm dụng là hành vi không thể tha thứ trong bất kỳ mối quan hệ nào
Và nếu bạn đang suy nghĩ rằng mình phải cam chịu vì con bạn cần có sự đùm bọc, yêu thương từ cả bố và mẹ thì đã đến lúc bạn cần xem xét lại. Thực tế là khi thường xuyên chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ sẽ để lại cực kỳ nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đứa trẻ.
Thao túng và kiểm soát
Đối tác của bạn có bắt bạn phải làm gì đó ngay cả khi bạn không muốn không? Bạn có phải đáp ứng mọi mong đợi của họ mà không hề có bất kỳ lời giải thích nào hay không? Họ có “nổi khùng” khi bạn không làm theo ý họ không?
Những đối tác độc hại sẽ thường xuyên kiểm soát và thao túng bạn bằng cách khiến bạn cảm thấy tội lỗi. Họ muốn bạn suy nghĩ, cảm nhận và trải nghiệm cuộc sống giống như cách họ làm. Điều này chắc chắn sẽ gây hại cho sức khỏe tinh thần và lối sống của bạn.
Tất nhiên, chúng ta luôn cần thỏa hiệp và hy sinh trong một mối quan hệ. Nhưng điều đó cần phải xảy ra một cách tự nguyện và đến từ cả hai phía. Nếu họ luôn ép buộc cách mà bạn phải sống cho cuộc sống của mình, thì bạn cần đặt ra một số ranh giới cho mối quan hệ của mình.
Không tôn trọng ranh giới
Tôn trọng ranh giới cá nhân là yếu tố cốt lõi để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh. Nhưng khi đối tác xâm phạm ranh giới của bạn mà không được phép, mọi thứ có thể nhanh chóng trở nên độc hại.
Ranh giới cá nhân cho thấy điều gì có thể chấp nhận được đối với bạn và điều gì không. Nó cho đối tác của bạn biết bạn muốn được đối xử như thế nào. Khi không tôn trọng ranh giới của bạn, họ có thể trở nên kiểm soát và buộc bạn phải thực hiện những thay đổi không cần thiết. Điều này có thể dẫn đến các cuộc tranh cãi lặp đi lặp lại theo thời gian, đó cũng là nguyên nhân khiến mối quan hệ bị đổ vỡ.
Bất kể bạn có thể khoan dung đến mức nào, cuối cùng bạn cũng sẽ kiệt sức, điều này có thể gây hại rất lớn cho sức khỏe tinh thần của bạn. Vì vậy, hãy truyền đạt rõ ràng ranh giới của bạn với đối tác và kiên quyết không dung thứ cho bất kỳ kẻ xâm phạm nào.
Thiếu trách nhiệm
Đối tác của bạn có chịu trách nhiệm về hành động và hành vi của họ không? Hay họ luôn đổ lỗi và không bao giờ xin lỗi về những sai lầm mà họ đã gây ra?
Chấp nhận lỗi lầm của mình và xin lỗi về chúng có thể là điều khó khăn với một số người. Nhưng nếu họ luôn né tránh điều đó vì lòng tự ái thì đó là điều bạn không nên tha thứ.
Một kẻ luôn bảo thủ với ý kiến và hành động của mình, sẵn sàng đổ mọi trách nhiệm cho bạn, đó chắc chắn không phải là người có thể đồng hành với bạn suốt quãng đời còn lại.
Ngoại tình
Ngoại tình là dấu hiệu rõ ràng của sự thiếu tôn trọng và đánh mất lòng tin. Bất kể lý do sâu xa có là gì đi chăng nữa thì người ngoại tình chắc chắn là kẻ sai. Thật hiếm trường hợp mà mối quan hệ đó có thể hàn gắn sau khi một trong hai người có hành vi độc hại này.
Ngoại tình là dấu hiệu rõ ràng của sự thiếu tôn trọng
Nếu bạn phát hiện đối tác của mình có mối quan hệ ngoài luồng, làm tổn thương bạn thì bạn nên bỏ đi, dù giữa cả hai đang có sự ràng buộc gì đi chăng nữa.
Đôi khi, ly hôn có thể tạm thời trì hoãn vì một lợi ích nào đó cao cả hơn, nhưng đó chắc chắn là điều bạn nên làm. Niềm tin một khi đã vỡ thì không bao giờ có thể hàn gắn lại được, không có gì đảm bảo một kẻ đã từng ngoại tình lại không “ngựa quen đường cũ” về sau này.
Thiếu trung thực
Tất cả chúng ta đều có lúc nói dối, đôi khi vì sợ hãi, đôi khi để bảo vệ người khác khỏi bị tổn thương. Nhưng khi đối tác của bạn nói dối nhiều lần vì lợi ích cá nhân của họ, thì bạn không cần phải chịu đựng điều đó thêm nữa.
Sự thiếu trung thực trong một mối quan hệ có thể để lại những hậu quả lâu dài khiến bạn cảm thấy trống rỗng, bị lợi dụng và lạm dụng. Nếu đối tác của bạn luôn cho bạn lý do để nghi ngờ họ và cố gắng hợp lý hóa những lời nói dối mỗi khi bị phát hiện, thì đó là một dấu hiệu báo động (red flag) cho thấy đây là mối quan hệ độc hại mà bạn cần tránh xa. Nói dối rõ ràng là hành động hết sức thiếu tôn trọng và không bao giờ được chấp nhận trong một mối quan hệ.
Quá phụ thuộc
Tất cả chúng ta đều muốn cảm thấy mình được yêu thương và việc đối tác có phần “dựa dẫm” một chút vào bạn cũng là điều cần thiết để minh chứng cho điều đó.
Nhưng nếu sự dựa dẫm này là liên tục và phi lý thì nó có thể nhanh chóng biến một mối quan hệ lành mạnh trở thành độc hại. Hơn nữa, nó còn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của bạn, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và ngột ngạt.
Đây là lý do tại sao bạn không bao giờ nên chịu đựng một người bạn đời quá đeo bám, người mà luôn cần bạn cho mọi thứ trong cuộc sống của họ. Độc lập trong một mối quan hệ là điều cần thiết đối với tất cả chúng ta.
Xin mời bạn theo dõi bài viết liên quan để có một cái nhìn sâu sắc hơn về khía cạnh này: Bạn lựa chọn cuộc sống độc lập hay dựa dẫm?
Luôn tiêu cực
Cảm xúc tiêu cực là điều mà tất cả chúng ta đều phải trải qua vào thời điểm nào đó trong đời. Một cách tuyệt vời để đối phó với chúng là chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực với đối tác của mình. Việc làm này sẽ giúp mối quan hệ của hai bạn trở nên khăng khít hơn.
Nhưng một người bi quan có năng lượng thấp và luôn tiêu cực thì có thể truyền tải nguồn năng lượng tương tự vào các mối quan hệ của họ. Nếu đối tác của bạn có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống, sự tiêu cực của họ cuối cùng sẽ đến với bạn, biến thái độ tích cực của bạn thành tiêu cực.
Một đối tác luôn tiêu cực chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần của bạn
Bạn sẽ sớm trở nên cáu kỉnh, thất vọng và bắt đầu thể hiện những hành vi độc hại trong các mối quan hệ của mình. Về lâu dài, sức khỏe tinh thần của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bạn có thể mắc một số bệnh lý rối loạn tâm thần nghiêm trọng như rối loạn lo âu, trầm cảm.
Trên đây là 8 hành vi độc hại không thể tha thứ với mối quan hệ lãng mạn của bạn. Nếu thấy người yêu/người bạn đời có những hành vi tương tự, hãy thẳng thắn nói chuyện trực tiếp để tìm ra hướng giải quyết. Trong trường hợp hai bạn không thể tìm được tiếng nói chung, bạn nên chấm dứt mối quan hệ độc hại này. Cám ơn các bạn đã đón xem!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập