Mục lục [Ẩn]
Thời gian gần đây, một trường hợp nữ sinh 14 tuổi phải vào viện trong tình trạng cáu gắt, nhiều lần tự làm tổn thương bản thân bằng cách lấy dao rạch vào tay. Theo chẩn đoán và thăm khám, bệnh nhân được kết luận bị rối loạn nhân cách ranh giới. Vậy rối loạn nhân cách ranh giới là gì? Bệnh nhân thường có các triệu chứng như thế nào? Làm sao để điều trị? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau!
Rối loạn nhân cách ranh giới là gì?
Ám ảnh bị bỏ rơi, nữ sinh 14 tuổi rạch tay để giải tỏa cảm xúc
Được biết, nữ sinh đang học lớp 8, tiền sử sức khỏe bình thường, đang sống với bố mẹ và em gái, không có tiền sử sử dụng thuốc hoặc lạm dụng chất tác động tâm thần. Gia đình không có người mắc bệnh rối loạn tâm thần. Mẹ em là trụ cột và luôn muốn mọi người trong nhà phải làm theo ý kiến cá nhân của mẹ còn bố em tính cách nhạy cảm hay suy nghĩ tiêu cực, hay nói lời đay nghiến.
Khoảng 3 năm nay, áp lực trong vấn đề học tập, cộng thêm bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã khiến em cảm thấy căng thẳng, ức chế, khó giải tỏa và kiềm chế cảm xúc, có lúc bệnh nhi nổi nóng, cáu gắt với mọi người dù trước đó vẫn vui vẻ. Em cũng thường cảm thấy bản thân bị bỏ rơi nên sống thu mình, trầm tính, ít giao tiếp với người thân, bạn bè.
Em tham gia vào nhiều hội nhóm trên internet và được hướng dẫn giải tỏa cảm xúc bằng các hành vi quá khích như tự làm tổn thương bản thân bằng cách lấy dao rọc giấy rạch vào cẳng tay, hành vi này được thực hiện nhiều lần vào nhiều thời điểm, các vết rạch ngày càng sâu và tổn thương nhiều hơn.
May mắn, gia đình em phát hiện và đưa em đi khám, em được chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách ranh giới có hành vi tự sát, tự hủy hoại. Chia sẻ với bác sĩ, em cho biết em thấy bố mẹ không còn yêu thương mình như trước đây nữa, lo sợ mình sẽ bị bỏ rơi. Do đó, bệnh nhi dễ trở nên cáu gắt, bùng nổ cảm xúc và luôn nghĩ rằng người khác tỏ sự coi thường hay muốn làm tổn thương mình khi thấy họ không đồng tình trong cuộc nói chuyện với bản thân.
Rối loạn nhân cách ranh giới là gì?
Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder - BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cách người bệnh suy nghĩ cũng như cảm nhận về bản thân và những người khác. Bệnh nhân thường có tâm trạng, hành vi, cảm xúc và các mối quan hệ không ổn định. Ngoài ra, bệnh nhân cũng rất dễ có các hành vi bốc đồng, nguy hiểm như tự làm hại bản thân, tự tử.
Theo ước tính, có khoảng 1,4% dân số trưởng thành bị rối loạn nhân cách ranh giới, trong đó có ¾ bệnh nhân là phụ nữ.
Nguyên nhân gây bệnh thường là do vấn đề di truyền, các thay đổi dẫn truyền thần kinh, bị rối loạn phát triển não bộ và do yếu tố môi trường. Bệnh này thường xảy ra ở tuổi mới lớn, cả trai lẫn gái, nên ảnh hưởng nặng nề đến nhân cách, nhận thức, thái độ với cuộc sống xã hội. Đáng nói, nguy cơ tự sát ở những người rối loạn nhân cách ranh giới cao gấp 40 lần so với dân số chung và 8 -10% đã chết do tự sát.
Theo Cẩm nang Thống kê và Chẩn đoán Rối loạn Tâm thần ấn bản thứ 5 (DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn nhân cách ranh giới nếu có ít nhất 5 trong 9 triệu chứng sau:
- Thực hiện các nỗ lực để tránh bị bỏ rơi (dù là trong thực tế hay tưởng tượng).
- Không ổn định về mặt cảm xúc: Cảm xúc có họ có thể thay đổi theo hàng ngày, hàng giờ hoặc thậm chí chỉ phút trước phút sau. Họ có những cơn lo âu, bực bội cao độ nhưng thường chỉ kéo dài vài giờ và hiếm khi kéo dài trên vài ngày.
- Cảm thấy trống rỗng: Họ thường xuyên cảm thấy trống rỗng.
- Rối loạn nhận dạng: Cảm nhận của bệnh nhân BPD về bản thân mình thường không ổn định. Đôi khi họ cảm thấy hài lòng về bản thân, nhưng đôi khi lại ghét bản thân hoặc thậm chí coi mình là kẻ xấu xa. Họ thường cảm thấy không chắc chắn về sự tồn tại và vai trò của mình và có xu hướng thay đổi bản tính tùy thuộc vào hoàn cảnh và những gì họ nghĩ người khác muốn ở mình.
Cảm nhận của bệnh nhân BPD về bản thân mình thường không ổn định.
- Có hành vi bốc đồng, quá khích: Họ thường có những hành vi bốc đồng như quan hệ tình dục bừa bãi, lạm dụng chất kích thích, ăn uống vô độ hoặc các hành vi vi phạm pháp luật (ví dụ như ăn cắp vặt). Những hành vi này dẫn đến các vấn đề trong mối quan hệ, sức khỏe, hoặc pháp lý.
- Sự tức giận dữ dội và hành vi gây hấn: Họ thường có những phản ứng dữ dội đến mức cực đoan, không tương thích với tình huống hoặc gặp vấn đề với việc kiểm soát cơn giận.
- Mối quan hệ với người khác không ổn định: Họ rất khó để xây dựng và duy trì được những mối quan hệ ổn định, lúc thì họ thần tượng hóa người kia một cách quá mức, khi thì hạ thấp họ một cách cực đoan.
- Có hành vi tự làm hại bản thân hoặc tự tử: Họ thực hiện những hành vi này với mục đích nỗ lực thoát khỏi cảm xúc đau khổ hoặc khó chịu của bản thân. Đây không phải là hành vi đe dọa, bệnh nhân BPD thường thực hiện những hành vi này một cách vô cùng nghiêm túc. Nghiên cứu cho thấy khoảng 70% những người bệnh BPD sẽ ít nhất một lần cố gắng tự tử trong đời.
- Có các triệu chứng hoang tưởng hoặc phân ly thoáng qua: Biểu hiện các dạng suy nghĩ hoang tưởng hoặc các triệu chứng phân ly trong những tình huống căng thẳng cao. Khi đó, chủ thể bị tách rời khỏi suy nghĩ, kí ức, cảm xúc hay chính cảm nhận cơ thể của mình
Rối loạn nhân cách ranh giới giống và khác gì so với rối loạn tâm trạng?
Rối loạn nhân cách ranh giới thường bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm trạng (như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực,...). Dưới đây là một số điểm tương đồng và khác biệt giữa các rối loạn tâm thần này:
Điểm tương đồng
Rối loạn nhân cách ranh giới và các rối loạn tâm trạng có các điểm tương đồng như sau:
- Bệnh nhân có các cảm xúc đau khổ, lo âu, sợ hãi,… Những cảm xúc tiêu cực này gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Rối loạn nhân cách ranh giới và trầm cảm có điểm chung là có lòng tự trọng thấp và cảm thấy trống rỗng, mất hứng thú với các yêu thích trước đây, có xu hướng tự cô lập và thu mình lại.
- Đều làm tăng nguy cơ lạm dụng chất gây nghiện khi mắc phải.
- Tiền sử bị chấn thương tâm lý (ví dụ như chấn thương tâm lý thời thơ ấu, tiền sử bị lạm dụng, bạo hành,...) là yếu tố nguy cơ dẫn đến cả rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn tâm trạng.
- Rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn lưỡng cực có điểm chung là hành vi bốc đồng và quá khích.
- Bệnh nhân rất dễ có hành vi tự làm hại bản thân hoặc tự tử.
Điểm khác biệt
Dưới đây là một số điểm khác biệt về rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn tâm trạng:
- Các triệu chứng của rối loạn tâm trạng thường ảnh hưởng đến cảm xúc của chính họ, trong khi đó, các triệu chứng của rối loạn nhân cách ranh giới thường ảnh hưởng nhiều đến cách bệnh nhân tương tác với người khác, ví dụ như nỗi sợ giao tiếp xã hội, lòng tự trọng thấp, sự phụ thuộc (sợ bị bỏ rơi), sự thiếu tôn trọng hoặc đồng cảm với người khác,...
- Các triệu chứng rối loạn tâm trạng có thể được cải thiện bằng các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu, thuốc chống loạn thần và thuốc ổn định tâm trạng. Tuy nhiên, chưa có loại thuốc nào được phát triển để điều trị rối loạn nhân cách ranh giới.
- Tuy rằng cả rối loạn lưỡng cực và rối loạn ranh giới đều liên quan đến sự bất ổn về mặt cảm xúc nhưng sự thay đổi tâm trạng ở những bệnh nhân mắc rối loạn nhân cách ranh giới thường rất nhanh chóng trong khi việc thay đổi giữa các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm thường phải kéo dài trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.
Các rối loạn tâm thần thường đi kèm với rối loạn nhân cách ranh giới
Rối loạn nhân cách ranh giới thường ít khi xuất hiện một mình mà thường xảy ra cùng với các rối loạn tâm thần khác, khiến việc chẩn đoán và điều trị trở lên khó khăn hơn. Theo thông tin từ phòng khám Cleveland Clinic, rối loạn nhân cách ranh giới thường đi kèm với một số rối loạn tâm thần với tỷ lệ như sau:
- Rối loạn trầm cảm nặng: 83%
- Rối loạn lo âu (88%).
- Rối loạn sử dụng chất gây nghiện (64%).
- Rối loạn ăn uống (53%).
- Rối loạn lưỡng cực (15%).
Trong trường hợp này, bệnh nhân cần phải điều trị cả những bệnh lý mắc kèm.
Làm sao để điều trị rối loạn nhân cách ranh giới?
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho rối loạn nhân cách ranh giới. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, chuyên gia tâm lý có thể yêu cầu sự có mặt của gia đình, bạn bè, vợ/ chồng trong quá trình điều trị.
Một số liệu pháp tâm lý thường được sử dụng để điều trị BPD bao gồm:
- Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT).
- Phương pháp điều trị dựa trên tâm thần hóa (MBT).
- Liệu pháp nhóm.
Trị liệu tâm lý là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho BPD.
Thuốc
Trong một số trường hợp, thuốc được dùng để điều trị một số triệu chứng trên cảm xúc của rối loạn nhân cách ranh giới hoặc các rối loạn tâm trạng mắc kèm, như:
- Thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc chống loạn thần.
- Thuốc giải lo âu (thuốc lo âu ).
- Thuốc ổn định tâm trạng.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu thêm về rối loạn nhân cách ranh giới. Rối loạn nhân cách ranh giới tuy không phải là rối loạn tâm trạng nhưng lại có nhiều điểm tương đồng và thường xuất hiện cùng với các rối loạn tâm trạng. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập