Mục lục [Ẩn]
Khi bị thao túng tâm lý, bạn sẽ mất đi chính kiến, không còn khả năng nhận thức đúng sai, luôn nghe theo ý muốn của kẻ thao túng. Điều đáng ngại là quá trình “tẩy não” này diễn ra rất chậm, khó nhận biết. Vì vậy, bạn nên nắm rõ cách thao túng tâm lý và giải pháp khắc phục để thoát khỏi tình cảnh đó!
Cách thao túng tâm lý là gì?
Diễn biến tâm lý của nạn nhân bị thao túng
Quá trình thao túng tâm lý một người thường diễn ra âm thầm trong khoảng thời gian dài. Nạn nhân gần như không thể phát hiện bản thân đang bị “tẩy não”. Thông thường, tâm lý của họ sẽ trải qua 3 giai đoạn như sau:
Giai đoạn hoài nghi
Lúc này, nạn nhân bắt đầu chịu ảnh hưởng từ lời nói của kẻ thao túng. Họ dần nghi ngờ phán đoán của bản thân. Mặc dù, họ nhận thức rất rõ về suy nghĩ, chính kiến của mình nhưng dần bị lung lay bởi thái độ kẻ bạo hành.
Họ tự đặt ra câu hỏi kiểu như “liệu có hiểu lầm gì ở đây?”, “mình đã sai rồi hay sao?”... Tần suất xuất hiện những câu hỏi đó sẽ ngày một nhiều hơn, khiến nạn nhân liên tục hoài nghi về chính mình.
Giai đoạn tự vệ
Đây là giai đoạn nạn nhân cố tự vệ bản thân chống lại ảnh hưởng từ kẻ thao túng. Họ đưa ra dẫn chỉ để chứng minh họ đúng. Thế nhưng mỗi lần họ phản ứng lại thì kẻ đó lại lôi họ vào những câu chuyện, lời lẽ mới mà ở đó họ luôn thua.
Nạn nhân sẽ ám ảnh bởi những gì mà kẻ thao túng nói, sẽ nghiền ngẫm chúng, để chúng quay vòng vòng trong đầu liên tục như một cuộn băng vô tận.
Giai đoạn trầm cảm
Trầm cảm là giai đoạn nguy hiểm nhất của thao túng tâm lý. Nạn nhân dần mất đi chính kiến của bản thân, luôn cảm thấy lo sợ và phát điên vì những chuyện nhỏ nhặt. Họ thường xuyên sống trong cảm giác thất bại, buồn bực, chán nản, mất tự tin vào bản thân.
Giai đoạn trầm cảm là lúc nạn nhân cảm thấy thất bại, chán nản
Tất cả những cảm xúc tiêu cực đó như tảng đá đè nặng nạn nhân, khiến họ ngột ngạt, bí bách, người bơ phờ, mệt mỏi. Thậm chí, trường hợp nặng còn bị hoang tưởng, hóa điên nếu bị thao túng quá mức.
Điểm danh những cách thao túng tâm lý mà kẻ bạo hành thường sử dụng
Thực tế, cách thao túng tâm lý rất đa dạng. Một số thủ đoạn mà kẻ bạo hành thường sử dụng bao gồm:
Nói dối thường xuyên
Một kẻ thao túng “chuyên nghiệp” là một kẻ rất giỏi nói dối. Họ phản bác với vẻ mặt rất bình thản trước sự chất vấn của nạn nhân. Thậm chí, khi nạn nhân đưa ra những bằng chứng xác đáng, họ vẫn có thể tìm lý do bao biện cho hành vi của mình.
Chính vì thái độ bình tĩnh đó, người bị thao túng bắt đầu nghi ngờ rằng có phải mình đã hiểu lầm? Có phải mình đang làm quá vấn đề? Lúc này, họ đã rơi vào bẫy của kẻ bạo hành.
Thích hạ thấp giá trị người khác
Mục đích của kẻ thao túng là điều khiển cảm xúc và con người của nạn nhân. Vì vậy, họ sẽ tìm cách để hạ thấp giá trị của người đó.
Chúng không ngừng tiêm vào đầu nạn nhân những suy nghĩ tiêu cực như họ không xinh, không giỏi; họ là một kẻ bất tài; phải nghĩa vụ chăm sóc họ và gia đình họ… Những năng lượng tiêu cực được tích lũy từ ngày này qua tháng nọ sẽ khiến nạn nhân ngày càng tự ti, suy sụp.
Kẻ bạo hành tiêm nhiễm vào đầu nạn nhân những suy nghĩ tiêu cực
Phủ nhận những điều từng nói, từng làm
Bạn nhớ rõ từng lời nói, hành động của kẻ thao túng. Tuy nhiên, kẻ đó lại không thừa nhận mỗi khi nghe bạn nhắc đến. Chúng không hề quên mà chỉ đang cố tình khiến bạn nghi ngờ bản thân, dần dần tin vào những lời nói dối.
Khi tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, bạn sẽ dần mất chính kiến, cho rằng suy nghĩ của bản thân là sai. Cuối cùng, bạn sập bẫy, bắt đầu tin tưởng vô điều kiện vào những lời kẻ thao túng tâm lý.
Nói một đằng làm một nẻo
Những kẻ thao túng rất thích hứa hẹn nhưng lại chẳng bao giờ thực hiện những điều đã nói. Lúc cần bạn, họ sẽ hứa hẹn đủ điều để khiến bạn cảm thấy tin tưởng. Tuy nhiên, đến lúc cần thực hiện, họ hành động như thể bạn đang yêu cầu vô lý, cho rằng bạn ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân chứ không quan tâm đến cảm xúc của họ.
Chúng khiến bạn cảm thấy bạn đang là gánh nặng mà chúng phải chịu đựng. Theo đó, bạn sẽ xuất hiện cảm giác tội lỗi, muốn chiều theo ý kẻ bạo hành để hối lỗi.
Thích đóng vai nạn nhân
Kẻ thao túng luôn cố gắng biến mình thành nạn nhân trong cuộc trò chuyện. Chúng sẵn sàng đổ mọi tội lỗi lên bạn dù lỗi đó không phải do bạn gây ra. Chúng nói rằng vì bạn nên mới hành động như vậy.
Kẻ thao túng tâm lý luôn cố biến mình thành nạn nhân
Đây là cách thao túng tâm lý thường gặp trong xã hội hiện nay. Trọng tâm của cuộc trao đổi luôn chuyển hướng từ việc kẻ thao túng có lỗi, sang việc bạn là nguyên nhân cho những hành động đáng bị lên án đó. Nếu bạn phản ứng lại, chúng vẫn có thể xoay chuyển nội dung cuộc trò chuyện. Cuối cùng, tất cả lỗi lầm vẫn thuộc về bạn.
Kẻ bạo hành rất giỏi lợi dụng cảm giác tội lỗi của bạn để mang lại lợi thế cho chúng. Nếu bạn đang buồn rầu, muốn tâm sự, họ sẽ hành động như thể bạn không biết cảm thông, luôn gây phiền phức chỉ vì mấy chuyện nhỏ nhặt. Còn nếu bạn không thổ lộ, họ lại khiến bạn cảm thấy có lỗi vì đã âm thầm chịu đựng, bảo rằng bạn tự làm khổ chính mình, bạn không biết cách chia sẻ.
Đứng trước kẻ thao túng, mọi việc bạn làm đều sai. Cho dù, vấn đề là của cả hai thì lỗi luôn là do bạn.
Khiến bạn nghĩ rằng mọi người đang chống lại bạn
Kẻ thao túng tinh thần luôn biết lựa chọn thời điểm tốt nhất để đánh vào tâm lý một người. Chúng cố tình xây dựng lối suy nghĩ sai lầm rằng không ai thích bạn.
Thực tế, lời kẻ thao túng nói không hoàn toàn đúng nhưng lại làm nạn nhân tin tưởng hoàn toàn. Sau cùng, chúng cô lập nạn nhân với mọi người, khiến họ tin tưởng chúng là điểm tựa duy nhất. Từ đó, họ luôn nghe theo lời kẻ bạo hành nói.
Làm sao để thoát khỏi thao túng tâm lý?
Muốn thoát khỏi cảnh bị thao túng tâm lý, bạn cần tỉnh táo, quyết tâm buông bỏ, chấm dứt mối quan hệ độc hại. Bạn nên:
- Yêu bản thân nhiều hơn: Bạn hãy nhìn nhận lại mối quan hệ đó, bản thân có vui vẻ, hạnh phúc hay không? Đối phương có tôn trọng bạn không? Nếu câu trả lời là “không” thì đừng ngần ngại mà chấm dứt mối quan hệ độc hại đó. Bạn cũng không cần phải cảm thấy có lỗi vì thực tế, đó không phải lỗi của bạn. Việc bạn cần làm là dành thời gian chăm sóc bản thân, ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên và làm những việc bản thân yêu thích.
Bạn hãy dành thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn
- Học cách từ chối: Nếu thấy ai đó yêu cầu bạn làm những việc vô lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn hoặc bất cứ ai khác, bạn hãy từ chối thẳng thừng. Bạn càng nhượng bộ, càng giúp đỡ thì kẻ đó càng được nước lấn tới. Vì vậy, bạn hãy nói “không” với việc mà bạn không muốn làm.
- Tìm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè: Thay vì ở bên cạnh kẻ thao túng, bạn hãy đến ở với người thân hoặc bạn bè đáng tin cậy để thay đổi môi trường sống, tham khảo những lời khuyên từ họ. Ngoài ra, bạn nên ra ngoài kết thêm bạn mới, tập trung vào những mối quan hệ tốt, dành thời gian cho người giúp bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
- Tham khảo chuyên gia tâm lý: Các chuyên gia sẽ giúp bạn nhanh chóng ổn định lại tinh thần. Đồng thời, họ còn hướng dẫn những biện pháp cụ thể, hiệu quả để chống lại kẻ thao túng.
Xã hội hiện nay sẽ có người tốt, kẻ xấu. Nếu mối quan hệ nào làm bạn mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực thì hãy mạnh dạn chấm dứt nó. Bạn yên tâm vì xung quanh bạn vẫn còn rất nhiều người tốt, hãy tìm đến sự giúp đỡ của họ để vượt qua thời kỳ khó khăn nhé!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập