Mục lục [Ẩn]
Bạn có gặp khó khăn trong việc vượt qua sự thù hận khi ai đó làm tổn thương bạn? Bạn có đang dành nhiều thời gian để nghĩ đến việc “trả đũa” một ai đó? Suy nghĩ “ăn miếng trả miếng” có đang khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn không? Bạn có phải là người rất dễ giữ mãi sự hận thù? Theo các chuyên gia tâm lý, việc giữ sự thù hận trong một thời gian kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Sự thù hận ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tinh thần?
Sự thù hận phổ biến như thế nào?
Việc giữ sự thù hận là việc bạn nuôi dưỡng sự tức giận, cay đắng, oán giận hoặc các cảm xúc tiêu cực khác trong lòng sau khi ai đó làm bạn bị tổn thương. Bạn có thể nhớ lại nhiều hành động xấu của người đó trong quá khứ và một lần nữa trải nghiệm lại những sự kiện đó mỗi khi bạn nhớ về nó. Ví dụ: Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi bạn bị bắt nạt tại trường, tuy nhiên, mỗi lần nhớ về nó bạn vẫn cảm thấy tức giận, thù hận kẻ đã bắt nạt bạn.
Mặc dù hầu hết chúng ta thường không muốn thừa nhận điều này, nhưng giữ sự thù hận là cách phản ứng phổ biến khi thấy mình đang bị đối xử bất công. Theo một khảo sát trên 12.000 người từ sáu quốc gia, một người trưởng thành trung bình có bảy mối hận thù cùng một lúc, phổ biến nhất là:
- Sự đổ lỗi.
- Sự phản bội.
- Mượn mà không trả.
- Bắt nạt thời thơ ấu.
- Cướp công lao.
- Bị lừa đảo.
Tại sao chúng ta lại giữ sự thù hận trong lòng?
Ngay từ khi còn nhỏ, việc giữ sự thù hận là cách mà mọi người phản ứng với những cảm xúc và sự kiện tiêu cực. Phản ứng này rất dễ xảy ra khi bạn cho rằng có ai đó đã cố tình, nhẫn tâm hoặc thiếu suy nghĩ làm điều gì đó khiến bạn tổn thương, đặc biệt nếu họ dường như không mấy để tâm đến những tổn thương mà bạn đang phải gánh chịu, không xin lỗi hoặc bù đắp cho bạn.
Những người có lòng tự trọng thấp, kỹ năng ứng phó kém, dễ cảm thấy xấu hổ hoặc là một người nóng nảy thì họ sẽ có nhiều khả năng giữ sự thù hận trong lòng hơn. Ngoài ra, các yếu tố văn hóa, lối sống, cách được nuôi dạy, môi trường,... cũng ảnh hưởng đến điều này. Theo nghiên cứu, những người đồng cảm, kiên cường, có khả năng tự điều chỉnh cảm xúc hoặc kỹ năng đối phó mạnh mẽ sẽ ít nuôi dưỡng cảm giác hận thù hơn.
Mặc dù tất cả chúng ta đều có những lúc cảm thấy oán giận với một vấn đề gì đó hoặc một ai đó, nhưng có một số người sẽ dễ có thái độ oán giận hoặc tức giận hơn những người khác. Họ có thể dễ dàng cảm thấy oán giận vì những việc nhỏ nhặt, ví dụ như: Ai đó không cho bạn vào nhóm chơi chung, ai đó nhớ sai tên của họ, hoặc ai đó vô tình va vào họ.
Sự thù hận ảnh hưởng thế nào đến bạn?
Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần
Việc giữ mối hận thù trong lòng có khả năng tác động xấu đến sức khỏe tinh thần của bạn theo nhiều cách khác nhau. Việc nuôi dưỡng sự tức giận sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy tức giận hơn. Thay vì chấp nhận và bước tiếp từ trải nghiệm tiêu cực hoặc tìm ra giải pháp, việc hồi tưởng lại những tổn thương trong quá khứ sẽ khiến bạn rơi vào vòng oán giận, cay đắng, vô vọng, trống rỗng. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, kiệt sức và bực bội vì chẳng có gì được giải quyết. Trên thực tế, các nghiên cứu đã cho thấy rằng việc nghĩ mãi về một sự kiện khó chịu sẽ khiến bạn cảm thấy như việc đó mới xảy ra gần đây, mặc dù thời gian có thể đã trôi qua khá lâu.
Sự thù hận kéo dài có thể:
- Khiến bạn cảm thấy bi quan hơn: Một nghiên cứu năm 2014, về việc kiểm tra một nhóm người leo qua ngọn đồi, những người đang nuôi dưỡng sự thù hận khó hoàn thành bài kiểm tra thể lực hơn vì họ đánh giá ngọn đồi dốc hơn so với những người lựa chọn buông bỏ hận thù.
- Mang đến nhiều cảm xúc tiêu cực hơn: Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc điều tiết cảm xúc một cách không lành mạnh, đổ lỗi cho người khác hoặc ôm những cảm xúc tiêu cực này sẽ dẫn đến nhiều cảm xúc tiêu cực hơn. Ngược lại, nghiên cứu khác đã cho thấy sự tha thứ và chấp nhận sẽ giúp ổn định hơn về mặt cảm xúc, giúp bạn ít căng thẳng hơn và giữ sức khỏe tốt hơn.
- Làm tăng sự căng thẳng tổng thể: Việc nghĩ mãi về những điều bạn oán giận khiến bạn chẳng thể nào tận hưởng được những điều tốt đẹp đang diễn ra bên ngoài.
- Làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý: Theo một nghiên cứu năm 2019, việc giữ sự thù hận làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn tâm thần khác. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy sự thù hận làm tăng sự căng thẳng, lo lắng và tiêu cực, làm tăng xu hướng mắc các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, tự hại hoặc tự tử.
Sự hận thù mang lại cảm giác bi quan và những suy nghĩ tiêu cực.
Ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội
Giữ mối hận thù có khả năng tác động lớn đến các mối quan hệ xã hội. Điều này có thể dẫn đến sự tan vỡ trong các mối quan hệ, hạn chế số lượng người mà bạn giao tiếp hoặc cô lập bạn khỏi những người khác.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng, việc tránh xa khỏi các mối quan hệ tiêu cực khiến bạn bị tổn thương là một điều tốt. Tuy nhiên, bạn nên dành thời gian để đánh giá xem mình có đang phản ứng thái quá trước một vấn đề không. Ví dụ: Bạn oán giận về việc bạn bè của mình hủy kế hoạch của bạn vào phút cuối mà quên mất rằng họ vốn là một người rất đáng tin cậy, hay giúp đỡ bạn, có thể họ đang bận gì đó mà không thể không “hủy kèo”. Sự oán giận của bạn có thể khiến cho mối quan hệ của hai người lung lay.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý rằng sự thù hận có khả năng ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ khác ngoài người mà bạn đang thù ghét, bởi thường thì không ai muốn ở gần những người có nguồn năng lượng tiêu cực, cứ giữ mãi những thù hận trong lòng.
Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất
Các nghiên cứu cho thấy việc giữ sự tức giận thay vì tha thứ và/hoặc bước tiếp cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, do sự căng thẳng gia tăng khi chúng ta giữ sự oán hận trong lòng.
Căng thẳng mãn tính gây ra một loạt những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thể chất, bao gồm:
- Sức khỏe tim mạch.
- Các bệnh tiêu hóa.
- Hệ sinh sản.
- Ngủ.
- Hệ miễn dịch.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy những người có mức độ thù hận cao hơn (đặc trưng bởi sự hoài nghi và không tin tưởng vào người khác) có mức độ suy giảm nhận thức nhiều hơn trong vòng 10 năm so với những người lựa chọn tha thứ cho người khác.
Theo một nghiên cứu năm 2016, việc lựa chọn tha thứ có khả năng giúp chống lại những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe do căng thẳng kéo dài.
Làm thế nào để buông bỏ sự thù hận?
Khi bạn bị tổn thương, việc buông bỏ thường rất khó khăn. Để buông bỏ sự thù hận, dưới đây là một số phương pháp dành cho bạn:
- Kết nối với cảm xúc của bản thân: Những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, đau khổ, thất vọng, tức giận khi bị người khác phản bội hoặc gây tổn thương là điều bình thường, bạn không nên phán xét. Bạn có thể viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân để biết rõ mình đang nghĩ gì và tự hỏi rằng có thể làm gì để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực đó: Đi dạo, làm những việc bạn thích, trò chuyện với bạn bè để nhận được những lời khuyên....
- Đặt mình vào vị trí của người kia: Có thể những hành động của họ đều xuất phát từ một nguyên nhân nào đó, bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của người kia để có thể cảm nhận, từ đó giúp bạn dễ dàng buông bỏ những oán giận hơn.
- Đặt những ranh giới lành mạnh: Buông bỏ thù hận không có nghĩa là bạn cho phép người khác được tổn thương mình nhiều lần hay khiến bạn tổn thương nặng nề. Bạn hãy đặt ra những ranh giới phù hợp, quy định đâu là hành vi bạn có thể chấp nhận được (với điều kiện nó chỉ diễn ra trong một số lần nhất định) và đâu là những hành động bạn không thể chấp nhận. Điều này sẽ giúp bảo vệ bạn không bị tổn thương.
- Trân trọng bài học đã có: Mỗi một lần bị tổn thương là một bài học mới. Những chuyện xảy ra sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm, khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp: Nếu sự thù hận của bạn đã kéo dài quá lâu mà không hề giảm bớt, những suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến chúng thường xuyên xuất hiện khiến tâm trạng của bạn bị xáo trộn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn thì bạn nên tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các chuyên gia tâm lý.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý.
Việc nuôi dưỡng sự thù hận sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, thể chất và cả mối quan hệ xã hội. Nếu bạn đang giữ sự thù hận, hy vọng các giải pháp trong bài viết này sẽ giúp bạn có thể buông bỏ sự chúng. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập