Mục lục [Ẩn]
Chúng ta không phải lúc nào cũng ăn chỉ để thỏa mãn cơn đói về mặt thể chất. Nhiều người trong chúng ta tìm đến đồ ăn để được an ủi, giải tỏa căng thẳng hoặc để tự thưởng cho bản thân. Đây được gọi là Emotional Eating - ăn uống theo cảm xúc. Vậy ăn uống theo cảm xúc có hại như thế nào và làm sao để dừng lại? Mời bạn theo dõi bài viết sau.
Ăn uống theo cảm xúc có hại như thế nào?
Ăn uống theo cảm xúc là gì?
Ăn uống theo cảm xúc là việc chúng ta sử dụng thức ăn để lấp đầy nhu cầu cảm xúc, ví dụ như giải tỏa căng thẳng, khiến bản thân cảm thấy thoải mái hơn.
Các dấu hiệu cho thấy bạn là người ăn uống theo cảm xúc:
- Bạn ăn nhiều hơn khi cảm thấy căng thẳng.
- Bạn ăn cả khi không thấy đói, hoặc thậm chí là no.
- Bạn ăn để cảm thấy tốt hơn: để bình tĩnh và xoa dịu bản thân mỗi khi bạn buồn, tức giận, chán nản, lo lắng,...
- Bạn tự thưởng cho mình bằng đồ ăn.
- Bạn thường xuyên ăn đến mức no căng.
- Việc ăn uống khiến bạn cảm thấy an toàn, thậm chí bạn coi thức ăn là một người bạn.
Điều gì dẫn đến việc ăn uống theo cảm xúc?
Một số nguyên nhân khiến một người ăn uống để giải tỏa cảm xúc là:
- Căng thẳng: Bạn có bao giờ để ý chúng ta thường thấy đói khi căng thẳng không? Khi chúng ta căng thẳng, cơ thể tăng tiết hormone căng thẳng là cortisol. Hormone này làm tăng cảm giác đói, kích thích sự thèm ăn, đặc biệt là các thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhiều đường, đồ ăn chiên rán để có thể cung cấp cho cơ thể càng nhiều năng lượng, đối phó với các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống. Càng có nhiều căng thẳng không được kiểm soát trong cuộc sống, bạn càng có nhiều khả năng tìm đến đồ ăn để giải tỏa cảm xúc.
- Kiềm chế cảm xúc: Ăn uống có thể là cách tạm thời giúp bạn “dồn nén” các cảm xúc khó chịu dâng trào như tức giận, sợ hãi, buồn bã, lo lắng, cô đơn,...
- Chán nản hoặc trống rỗng: Bạn có bao giờ ăn chỉ để giải tỏa sự nhàm chán hoặc để lấp đầy những khoảng trống trong cuộc sống không? Đôi khi, chúng ta sử dụng thức ăn để lấp đầy thời gian và đánh lạc hướng bản thân khỏi cảm giác trống rỗng và vô định.
- Thói quen thời thơ ấu: Ở thời thơ ấu, bố mẹ có bao giờ thưởng cho những điều bạn làm tốt bằng cách mua đồ ăn ngon cho bạn hoặc cho bạn ăn đồ ngọt mỗi khi bạn buồn không? Não bộ sẽ nhận diện đồ ăn là phần thưởng và những thói quen này sẽ kéo dài đến tận khi trưởng thành.
Ăn uống theo cảm xúc có hại như thế nào?
Việc ăn uống theo cảm xúc không phải là điều xa lạ. Thỉnh thoảng sử dụng đồ ăn như một cách để vực dậy tinh thần, một phần thưởng hoặc để ăn mừng không hẳn là điều xấu.
Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng việc ăn uống là cơ chế ứng phó cảm xúc chính của bạn - phản xạ đầu tiên khi cảm thấy căng thẳng, buồn bã, tức giận, cô đơn, kiệt sức hoặc buồn chán là nghĩ đến đồ ăn thì rất nguy hiểm. Bởi trên thực tế, việc ăn uống không giải quyết được các vấn đề về cảm xúc. Ăn uống có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn vào khoảnh khắc đó, nhưng cảm xúc tiêu cực và các vấn đề gây ra cảm xúc đấy vẫn còn đó.
Việc ăn uống theo cảm xúc còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, ví dụ như gây tăng cân. Điều này lại càng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần, khiến bạn cảm thấy tội lỗi và tự chỉ trích bản thân.
Việc ăn uống theo cảm xúc không giải quyết được các vấn đề cảm xúc.
Nghiêm trọng hơn, việc ăn uống theo cảm xúc khiến bạn ngừng học cách đối phó với cảm xúc của mình lành mạnh hơn và bạn lại càng phụ thuộc vào việc ăn uống. Điều này khiến bạn cảm thấy ngày càng bất lực trước cả cảm xúc và việc ăn uống của mình, làm suy giảm lòng tự trọng, thậm chí dẫn đến những rối loạn tâm thần như trầm cảm hay rối loạn lo âu.
Làm sao để dừng việc ăn uống theo cảm xúc?
Việc thay đổi một thói quen đã kéo dài có thể là khó, nhưng không phải là không thể. Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn:
Viết nhật ký cảm xúc
Việc ăn uống theo cảm xúc thường diễn ra trong vô thức. Vì vậy, việc viết nhật ký cảm xúc sẽ giúp bạn hiểu rõ thói quen của mình. Bạn hãy thử ghi lại những lần bạn ăn khi không cảm thấy đói: Chuyện gì đã xảy ra lúc đó? Bạn cảm thấy thế nào? Cảm xúc nào lúc đó khiến bạn muốn ăn?
Bạn càng hiểu rõ cảm xúc của mình thì khả năng thay đổi thói quen ăn uống theo cảm xúc càng cao. Khi ghi nhật ký, bạn hãy cố gắng không phán xét bản thân về những gì bạn phát hiện ra, viết một cách khách quan.
Tìm cách khác để đối phó
Khi đã nắm được những thông tin về những cảm xúc, tình huống hoặc suy nghĩ kích hoạt cơn thèm ăn, bạn có thể bắt đầu thực hiện thay đổi.
Nếu bạn nhận thấy mình luôn ăn khi cảm thấy căng thẳng, vậy căng thẳng chính là nguyên nhân kích hoạt, bạn hãy thử tìm các biện pháp để giải tỏa căng thẳng tốt hơn.
Nếu bạn nhận thấy mình ăn khi cảm thấy buồn chán, vậy hãy cân nhắc cách quản lý sự buồn chán của mình, tìm các hoạt động lành mạnh để lấp đầy thời gian.
Việc thay đổi từ thói quen ăn uống sang các hoạt động khác cần thời gian, vì vậy bạn hãy kiên nhẫn với bản thân mình, thử nhiều biện pháp khác nhau để tìm ra biện pháp phù hợp với mình nhất nhé.
Vận động
Vận động là một cách hiệu quả để kiểm soát căng thẳng và lo lắng. Nó giúp giảm mức độ căng thẳng trong cơ thể và tăng hormone hạnh phúc giúp bạn cảm thấy thư giãn, phấn chấn hơn. Điều này sẽ giúp kiểm soát các tác nhân kích thích tiềm ẩn khiến bạn ăn uống theo cảm xúc.
Tìm kiếm sự hỗ trợ
Hãy tránh tự cô lập khi bạn cảm thấy buồn bã hoặc lo lắng, đó là những cảm xúc khó khăn để bạn có thể tự mình vượt qua. Những lúc như thế này, hãy nhanh tay gọi một cuộc điện thoại cho bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình, nó sẽ giúp tâm trạng của bạn tốt hơn rất nhiều.
Gọi điện thoại tâm sự với người thân.
Một nghiên cứu cho thấy sự hỗ trợ xã hội sẽ giúp chúng ta tuân thủ tốt hơn việc thay đổi các hành vi liên quan đến ăn uống.
Không mất tập trung khi ăn
Nếu bạn vừa ăn vừa làm việc khác, ví dụ như xem TV, điện thoại, não của bạn không thể trải nghiệm ăn uống trọn vẹn, bạn cũng có xu hướng ăn nhanh hơn, trong khi não cần thời gian để tiếp nhận được tín hiệu rằng bạn đã no. Nếu bạn thường ăn nhanh, bạn sẽ ăn nhiều hơn mức cơ thể cần. Vì vậy, bạn cần tập trung hoàn toàn vào thức ăn khi bạn ăn.
Tự nói chuyện tích cực
Việc tự nói chuyện tích cực là công cụ hữu ích để giúp bạn quản lý việc ăn uống theo cảm xúc. Nó đã được chứng minh là giúp cải thiện việc ăn uống, giúp bạn ăn uống lành mạnh hơn.
Trong cuộc sống, đôi khi có những cảm xúc tiêu cực là không thể tránh khỏi. Việc ăn uống theo cảm xúc có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái trong tạm thời nhưng không thể thực sự giải quyết được các vấn đề gây căng thẳng. Hy vọng các mẹo trong bài viết này sẽ giúp bạn thay đổi được thói quen này. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập