Mục lục [Ẩn]
Tình trạng căng thẳng stress rất thường gặp ở phụ nữ mang thai và sau sinh. Tình trạng này kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của người mẹ trong giai đoạn mang thai và sinh con mà còn có thể để lại hậu quả trực tiếp, lâu dài đến sức khỏe của mẹ và em bé. Cụ thể, một nghiên cứu tại Đại học Tottori ở Nhật Bản đã tìm ra mối liên hệ giữa tình trạng căng thẳng tâm lý của bà mẹ trong thời kỳ mang thai với nguy cơ mắc bệnh động kinh ở trẻ em.
Căng thẳng khi mang thai làm tăng nguy cơ động kinh sớm ở trẻ em.
Nghiên cứu: Căng thẳng khi mang thai làm tăng nguy cơ động kinh sớm ở trẻ em
Động kinh là căn bệnh ảnh hưởng đến hơn 65 triệu người trên toàn cầu và là một trong những rối loạn thần kinh phổ biến nhất. Các nghiên cứu trước đây đã xác định một số yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của động kinh là bong nhau thai, tiền sản giật, nhiễm trùng trong thai kỳ, trẻ nhẹ cân khi sinh,...
Trong một bài báo nghiên cứu tên: “Tác động của những đau khổ tâm lý trước khi sinh của bà mẹ đến sự phát triển bệnh động kinh ở con cái: Nghiên cứu về môi trường và trẻ em Nhật Bản”, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên kết giữa tình trạng căng thẳng tâm lý ở bà mẹ trong thời kỳ mang thai với nguy cơ mắc bệnh động kinh ở trẻ em.
Cụ thể, nghiên cứu được tiến hành tại Nhật Bản trên toàn quốc với gần 100.000 người tham gia để đánh giá mối liên hệ giữa điểm số thang đánh giá căng thẳng về mặt tâm lý Kessler (K6) và bệnh động kinh ở trẻ từ 1 đến 3 tuổi.
Cụ thể, tình trạng căng thẳng tâm lý ở bà mẹ được đánh giá bằng thang đo Kessler gồm 6 mục (K6), được thực hiện 2 lần trong thời kỳ mang thai, một lần trong nửa đầu (trung bình 15,1 tuần) và một lần nữa trong nửa sau (trung bình 27,4 tuần). Mức độ căng thẳng được phân loại thành 6 nhóm, trong đó mức độ căng thẳng thấp (từ 4 điểm trở xuống) hoặc trung bình (5 hoặc 6) tại mỗi thời điểm. Trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh động kinh ở độ tuổi 1, 2 và 3 lần lượt là 89 (0,1%), 129 (0,2%) và 149 (0,2%).
Kết quả cho thấy: Điểm K6 của mẹ từ 5 trở lên ở cả 2 thời điểm có mức độ động kinh cao hơn 70% ở trẻ em từ 1 đến 3 tuổi. Và nghiên cứu kết luận “...cần phải điều chỉnh môi trường để phụ nữ cảm thấy thư giãn trong thời gian mang thai, để ngăn ngừa sự phát triển động kinh ở con cái họ”.
Tại sao phụ nữ mang thai dễ bị căng thẳng, stress?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng, stress khi mang thai ở nữ giới, như:
- Sự thay đổi hormone: Sự thay đổi nội tiết tố là một trong những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng. Hormone progesterone và estrogen tăng cao có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của phụ nữ, gây ra các cảm giác lo lắng, buồn bã, và dễ cáu gắt.
- Sự thay đổi về ngoại hình và các triệu chứng khó chịu như buồn nôn, mệt mỏi, và đau lưng, cơ thể nặng nề có thể khiến phụ nữ cảm thấy khó chịu và căng thẳng.
- Khi mang thai, các bà mẹ cũng rất hay lo lắng về sức khỏe của bản thân và thai nhi. Chỉ cần có một chút bất thường về sự phát triển của em bé là người mẹ cũng rất dễ rơi vào trạng thái bất an, lo âu…
- Bà mẹ có thể phải chịu những áp lực từ công việc hoặc lo lắng về tài chính trong việc sinh con và nuôi con.
- Một nguyên nhân khác dẫn đến căng thẳng là sự phức tạp của các mối quan hệ, đặc biệt là khi vợ chồng có vấn đề hoặc khi mẹ bầu mâu thuẫn với gia đình chồng, đặc biệt mang thai ngoài ý muốn, hay giới tính thai nhi không như ý,..
Sự xung đột của các mối quan hệ khi mang thai khiến mẹ bầu dễ căng thẳng, stress.
Làm sao để giảm stress khi mang thai?
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của mẹ bầu và thai nhi. Một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh sẽ giúp cho mẹ bầu có được sức khỏe thể chất và tinh thần vượt trội, ngăn chặn được các tình trạng căng thẳng, lo lắng.
Để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể mẹ và thai nhi, bạn nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ bao gồm 3 bữa chính và nhiều bữa ăn nhẹ. Khi dạ dày có thức ăn, cảm giác đói và thèm ăn sẽ giảm đi. Chế độ ăn uống cần đảm bảo đủ các dưỡng chất như sắt, canxi, acid folic, vitamin, khoáng chất…
Bạn lưu ý không nên ăn nhiều đồ ngọt hay các món ăn dầu mỡ vì tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ, trầm cảm. Trong trường hợp quá thèm bạn nên cố gắng khống chế chỉ nạp một lượng vừa đủ.
Chia sẻ nhiều hơn
Sự thay đổi đột ngột các hormone khi đang mang thai khiến người phụ nữ trở nên rất nhạy cảm. Chỉ một việc nhỏ đôi khi cũng làm họ tủi thân, bật khóc. Nếu cứ kìm nén tâm sự trong lòng, các vấn đề tâm lý sẽ xuất hiện.
Do vậy, để phòng ngừa căng thẳng khi mang thai, mẹ bầu cần phải chia sẻ những tâm sự, lo lắng của bản thân với người khác. Bạn có thể nói chuyện với ông xã, cha mẹ hay bạn bè, những người có thể tin tưởng được.
Tập luyện thể dục mỗi ngày
Vận động cơ thể nhẹ nhàng sẽ giúp lưu thông máu, cải thiện tình trạng tê bì chân tay, tốt cho giấc ngủ. Thêm nữa, những bài tập này còn thư giãn tinh thần, giúp làm giảm căng thẳng khi mang thai hiệu quả.
Bạn chỉ cần tập luyện nhẹ nhàng mỗi ngày như đi bộ, yoga cho bà bầu…
Ngủ đủ giấc
Tình trạng mất ngủ thường xuyên có thể là nguyên nhân gây stress ở phụ nữ mang thai. Bạn nên đảm bảo giấc ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và rèn luyện thói quen ngủ trước 23 giờ. Để có giấc ngủ ngon, hãy chọn không gian ngủ thoáng mát, dễ chịu và yên tĩnh, có thể bố trí thêm một số mùi hương nhẹ nhàng để giúp thư giãn hơn.
Thực hiện các biện pháp thư giãn tinh thần
Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
- Ngâm mình trong bồn nước ấm: Nước ấm sẽ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn, tăng lưu thông máu. Bạn có thể pha nước ấm với chút tinh dầu thơm dịu kết hợp với bản nhạc không lời để thư giãn cơ thể.
- Ngồi thiền: Thiền là liệu pháp giúp thanh lọc tâm trí, xả stress hiệu quả. Khi cảm thấy căng thẳng mệt mỏi, mẹ hãy tìm một nơi yên tĩnh thoải mái để tập trung thiền. Nếu chưa biết cách thực hiện, bạn có thể tìm hiểu trên các trang báo mạng uy tín hoặc nhờ chuyên gia hỗ trợ.
Thiền là phương pháp hiệu quả để giúp các mẹ bầu vượt qua stress.
- Viết nhật ký: Nếu ngại chia sẻ nỗi lòng với mọi người, bạn có thể viết tâm sự ra những trang giấy trắng. Cách này sẽ giúp bạn nhìn nhận lại vấn đề, bình ổn tâm trạng tốt hơn.
Căng thẳng khi mang thai gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé. Vì vậy, gia đình cần hỗ trợ về mặt tâm lý cho phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, thai phụ nên có lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống, rèn luyện và giải trí thích hợp. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập